Loạt ‘ông lớn’ hứa ghìm giá hàng hóa cho triệu người trong chiến dịch dài 1 năm
Chiều 3/4, Sở Công Thương TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ ngành quý I/2023. Theo Sở này, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3 tháng đầu năm ước đạt 263.981 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2022 (cùng kỳ giảm 4,8%); trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I ước đạt 163.606 tỷ đồng, tăng 9,1% (cùng kỳ tăng 4,8%).
Đồng thời, Sở Công Thương cũng công bố thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; mặt hàng phục vụ học tập năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024. Thời gian thực hiện chương trình trong 12 tháng, bắt đầu từ 1/4/2023-31/3/2024.
Nói về ý nghĩa của hoạt động bình ổn giá, đại diện Sở Tài chính thông tin, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực thịt gia cầm đang chia sẻ khó khăn với TP.HCM. Dù biến động giá nguyên liệu đầu vào tăng, đủ điều kiện tăng giá bán ra nhưng doanh nghiệp bình ổn chấp nhận giữ giá bán như năm 2022.
Nhận định về thị trường, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Đối ngoại Tập đoàn Central Retail Việt Nam, cho hay, sức mua quý I/2023 của đơn vị tăng 10% so với cùng kỳ nhưng ngành bán lẻ đang ở trạng thái “không an toàn”.
Thời điểm này, thị trường chững lại, người tiêu dùng đa phần mua hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm, cắt giảm chi tiêu khá nhiều đối với các mặt hàng khác.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Thu mua của hệ thống MM Mega Market Việt Nam, cho biết, thời gian qua, giỏ hàng của người tiêu dùng đã hụt đi khoảng 10% so với quý I/2022. Người dân đang giành dụm tiền, mua sản phẩm thiết yếu. Ngoài việc đồng hành cùng chương trình bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, hệ thống này chấp nhận đưa ra chương trình giá sỉ, bán sản phẩm thiết yếu hàng ngày bằng giá tại các chợ đầu mối.
Ông Ao Hoàng Hải, Phó Trưởng phòng Kinh doanh Saigon Co.op, khẳng định, năm 2023, đơn vị tiếp tục tham gia chương trình bình ổn thị trường với 11 nhóm hàng hóa, cam kết giảm giá 5-10% so với giá chung của thị trường.
Đại diện Hệ thống Satra cho hay doanh nghiệp kích cầu với các mặt hàng tươi sống như thịt heo; thịt gà; trứng gia cầm. Đơn vị hạ giá, thực hiện phương án lợi nhuận 0 đồng để chia sẻ với doanh nghiệp sản xuất và người dân.
Trong khi đó, Aeon dự kiến khoảng 3 tháng/lần sẽ rà soát, thay đổi danh mục sản phẩm ưu đãi để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
Ngoài Chương trình Bình ổn thị trường, thời gian tới, Sở Công Thương đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, thông qua Diễn đàn và Hội chợ hỗ trợ xuất khẩu TP.HCM 2023 dự kiến diễn ra từ 25-28/5. Hội chợ tập trung vào 7 nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của thành phố.
Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ mong muốn, đưa địa phương trở thành nơi những nhà mua hàng lớn quốc tế thảo luận về khuynh hướng tiêu dùng ở các thị trường tiềm năng. Qua đó, doanh nghiệp sản xuất trong nước có thể nắm bắt xu hướng, mở rộng thị trường trong bối cảnh hiện tổng cầu thế giới sụt giảm.
Chương trình Bình ổn thị trường hiện hoàn toàn xã hội hóa với quy mô ngày càng lớn. Tính chung giai đoạn 2012-2022, ngân sách nhà nước chỉ ứng vốn mồi 282 tỷ đồng vào năm 2012, tới nay, tổng doanh thu chương trình bình ổn thị trường ước đạt 189.095 tỷ đồng. Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, từng đánh giá, chương trình "đặc sản" của TP.HCM đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ổn định giá cả hàng hoá, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng khan hàng, sốt giá như dịch cúm gia cầm năm 2003, sốt giá gạo năm 2008, sốt giá trứng gia cầm năm 2013, sốt giá đường năm 2014... Với gần 11.000 điểm bán hàng bình ổn. chương trình góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI của TP.HCM thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước. |
Trần Chung