Loại nước uống triệu gia đình Việt ưa thích dịp Tết, nhưng ai không nên dùng?
Caffein trong nước chè cao hơn cà phê
Trong thành phần của trà (chè) gần như không có mỡ, carbohydrate hay protein, do đó hầu như không cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng.
"Trà chứa rất nhiều caffeine. 100g lá trà chứa 4g caffeine, trong khi 100g hạt cà phê Arabica chỉ có 1,4g caffeine", TS Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM, cho biết.
Caffeine là một chất kích thích thần kinh trung ương, do làm tăng tổng hợp và giải phóng các chất trung gian dẫn truyền thần kinh do đó làm tăng nhanh nhạy, tăng khả năng tập trung, giảm mệt mỏi.
Tuy nhiên, những người nhạy cảm hoặc dùng liều cao có thể bị run cơ, run tay, khó ngủ, nhức đầu, lo lắng, bứt rứt. Caffeine tác động rõ rệt lên tim mạch, hô hấp hay tiêu hóa.
Theo TS Hậu, trà xanh có tác dụng chống oxy hóa cao nhất so với một số loại trà khác (như trà đen, trà ô long). Một số chất khoáng, vitamin có trong trà xanh làm tăng khả năng chống oxy hóa. Vitamin C, vitamin B2, mangan có trong trà xanh hỗ trợ ngăn ngừa ung thư, ngăn chặn quá trình lão hóa, điều hòa hệ miễn dịch, làm tăng sức đề kháng. Theanin trong trà xanh có tác dụng kích thích thư giãn, tăng khả năng tập trung và sáng tạo.
Ai không nên uống nước chè?
TS Hậu dẫn thông tin khuyến cáo từ một số nhà khoa học, nếu sử dụng quá nhiều trà với nồng độ đậm đặc có thể tác động không tốt. Caffeine trong trà có thể làm giảm lượng canxi hấp thu tại ruột và giảm tái hấp thu canxi tại ống thận gây ra loãng xương. Tannin trong trà làm giảm hấp thu sắt nên dễ gây thiếu máu.
"Uống trà nhiều có nguy cơ làm cho cơ thể bị thiếu sắt, dẫn đến thiếu máu", vị chuyên gia dinh dưỡng cho biết. Trà cũng làm giảm hấp thu kẽm nên không có lợi cho trẻ nhỏ, nhất là những trẻ suy dinh dưỡng, do nhu cầu về kẽm rất cao.
"Người thiếu máu đang trong thời gian uống viên sắt bổ sung, người đang bổ sung kẽm, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai đang cần nhu cầu sắt, kẽm cao không nên uống trà", bác sĩ Hậu khuyến cáo.
Trà có tác dụng sinh nhiệt, vì thế nếu đang sốt không nên sử dụng nước trà, đồng thời nước trà cũng làm giảm tác dụng của thuốc hạ sốt.
Với những người khó ngủ, đặc biệt là trẻ nhỏ, không nên sử dụng trà, nhất là vào buổi tối vì tác dụng gây hưng phấn thần kinh làm khó ngủ hơn.
Người có tiền căn loét dạ dày tá tràng không nên dùng trà do trà có tác dụng tăng tiết dịch dạ dày. Trẻ nhỏ càng không nên sử dụng trà do lớp chất nhầy bảo vệ dạ dày còn mỏng manh, dễ bị loét. Trà cũng là tác nhân gây táo bón ở trẻ em, phụ nữ mang thai, người già hoặc người có nhu động ruột yếu.
Ở trẻ nhỏ, cần cân nhắc giữa tác dụng có lợi là chống oxy hóa với một số tác động ngoại ý có hại cho sức khỏe. Trẻ nhỏ có nhu cầu các chất dinh dưỡng cao, rất cần đạm, sắt, kẽm, canxi... nhưng trà lại làm giảm hấp thu các chất này.
Hơn nữa, hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, dễ bị rối loạn tiêu hóa khi uống caffeine; trẻ cũng cần giấc ngủ sâu để phát triển. Vì thế, dùng các chất kích thích thần kinh như trà, cà phê không có lợi.
"Chưa kể, trà dùng cho trẻ em hay kèm với sữa và các loại trân châu, siro trái cây chứa nhiều đường, hoặc cho nhiều đường để che lấp vị chát nên dễ gây nhiễm khuẩn nhiễm độc nếu không được chế biến và bảo quản kỹ lưỡng, dễ gây béo phì do đưa vào quá nhiều năng lượng rỗng, không có lợi cho trẻ", TS Hậu cho hay.
Võ Thu