Loài cỏ dại nguy hiểm “tấn công” hồ Dầu Tiếng
Cây mắt mèo trải dài hàng chục mét trong hồ Dầu Tiếng. |
Đi dọc theo những bãi đất bán ngập bên trong hồ Dầu Tiếng rất dễ bắt gặp những đám cây mắt mèo xanh tốt, um tùm. Có những đám diện tích chỉ vài chục mét vuông, nhưng có những đám chiều ngang đến mấy trăm mét vuông. Mắt mèo đang đua nhau nở hoa, kết trái, cùng với vô vàn cây con chen chúc vươn lên. Tại Hóc Cò- một bãi đất bán ngập trên đảo Nhím- có cả một khu vực rộng khoảng vài ha bị mắt mèo thống lĩnh gần như hoàn toàn.
Một vài nơi khác, người dân không chịu nổi sự xâm lấn của loại cây này nên đã diệt chúng bằng cách dùng lửa đốt, nhưng cũng chẳng hiệu quả bao nhiêu. Bụi cây nào bị cháy đen hoàn toàn chúng mới chết, cây nào bị cháy lem nhem thì chẳng “nhằm nhò” gì, sau đó vài ngày, chúng lại đâm chồi, lên tiếp.
Có nhiều nơi, nước ngập toàn bộ thân nhiều tháng liền cũng không ảnh hưởng gì chúng, chỉ cần còn nhú một chóp đọt trên mặt nước là cây mắt mèo vẫn vươn lên, trừ khi ngập luôn cả đọt, loại cây này mới chịu chết.
Anh Trần Thanh Hạnh- một người có thâm niên làm rẫy hàng chục năm trên đảo Nhím than phiền, loại cây này chẳng có tác dụng gì cả. Trên thân của chúng đầy gai độc, đụng vô là sưng tấy, làm mủ. Cành lá của chúng gây ngứa, đã vậy chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh.
Chúng mọc đến đâu là hút hết dinh dưỡng, khiến các loại cây khác bị suy kiệt không lên nổi. Muốn diệt được phải cuốc hết gốc rễ, nhưng diệt được cây này thì nhiều cây khác lại mọc lên. “Nếu cứ đà này, vài năm nữa, cây mắt mèo sẽ chiếm hết các bãi đất trống trong hồ Dầu Tiếng”, anh Hạnh lo lắng.
Cây mắt mèo tên khoa học là mimosa pigra, thuộc họ đậu (Fabaceae). Cây này có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ. Là loài cây thân gỗ, mọc cao đến 2m, tạo thành những bụi rậm rạp, cành vươn dài và chịu được gió mạnh. Mỗi cây có hàng chục chùm quả và nhiều hạt.
Khi trái khô, hạt tách ra, trôi theo dòng nước, phát tán đến nhiều vùng khác nhau. Nếu gặp điều kiện không thuận lợi, hạt của chúng có thể nằm yên “chờ thời” đến 20 năm mới nảy mầm.
Thân và cành có đầy gai nhọn, trong nhựa loài cây này có chất độc dính vào da gây tê buốt, khó chịu đối với người và nhiều loài động vật. Cây mắt mèo là loài cây dễ thích nghi, chúng có thể sống trên đất ruộng, nương rẫy, đồi khô và chua phèn v.v...
Theo IUCN- Tổ chức Bảo tồn thế giới, cây mắt mèo là loài cỏ dại nguy hiểm hàng đầu, nằm trong danh sách 100 loài sinh vật xâm lấn của thế giới và từng trở thành dịch hại ở các nước châu Phi, châu Đại Dương và Đông Nam châu Á.
Với những đặc tính nguy hiểm nêu trên, nếu cây mắt mèo không sớm được quan tâm, tiêu diệt thì e rằng trong tương lai, chúng sẽ lây lan rộng khắp các vùng đất còn lại của công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng và lan rộng ra nhiều địa bàn khác trong tỉnh.
Theo Tây Ninh online