Lo ngại về Trung Quốc – Vấn đề “nổi cộm” tại Đối thoại Shangri-La
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho rằng, sự không rõ ràng trong đường hướng tương lai của Trung Quốc là mối lo ngại chính, dẫn đến nguy cơ cạnh tranh quân sự hiện tại và trong tương lai”.
Trước cuộc Đối thoại Shangri-La này, nhiều quan chức Malaysia đã lên tiếng kêu gọi chính phủ phải hành động cứng rắn hơn nhằm ngăn chặn những hành động quấy nhiễu của Trung Quốc trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cùng các lãnh đạo quốc phòng của nhiều quốc gia khác đang họp bàn về an ninh châu Á tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore. |
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cũng ám chỉ hành động của Bắc Kinh: “Tất cả các quốc gia trong khu vực cần hiểu rằng sự thịnh vượng chung và tốc độ phát triển mạnh mẽ trong khu vực hiện nay sẽ bị ảnh hưởng bởi những hành động khiêu khích của bất kì nước nào trong số chúng ta”.
Cùng chung mối lo ngại về Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cam kết, Tokyo sẽ giúp các nước Đông Nam Á xây dựng khả năng quốc phòng để đối phó với những hành động mà ông đánh giá là đơn phương, nguy hiểm và ép buộc của Bắc Kinh ở Biển Đông,
Ông cho hay, Trung Quốc đang cải tạo đất, xây dựng các tiền đồn, dùng chúng cho mục đích quân sự với quy mô lớn và nhanh trên Biển Đông.
Mỹ liên tục chỉ trích Trung Quốc ở Shangri-La. |
Trong bối cảnh mối lo ngại về Trung Quốc ngày càng “nóng”, trong suốt thời gian diễn ra Đối thoại Shangri-La, Mỹ liên tục kêu gọi Bắc Kinh hành động đúng đắn, kiềm chế ngang ngược ở Biển Đông. Các quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ cũng nhấn mạnh ưu thế quân sự của Washington và thề sẽ tiếp tục đóng vai trò chính trong việc đảm bảo an ninh châu Á trong nhiều thập kỉ tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter thẳng thừng cảnh báo hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đặc biệt, ông nói, Trung Quốc sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu có bất kỳ hành động nào ở Bãi cạn Scarborough.
Ông Carter cho biết thêm: "Tôi hy vọng rằng tình huống đó sẽ không xảy ra vì nó sẽ kéo theo hành động của cả Mỹ và nhiều quốc gia khác, gây căng thẳng trong khu vực”.
Ông khẳng định: “Mỹ vẫn sẽ là quân đội mạnh mẽ nhất, quốc gia đảm bảo chính cho an ninh khu vực này trong nhiều thập kỉ tới. Không nên nghi ngờ về điều đó".
Ông Carter cho biết sẽ hoan nghênh Trung Quốc tham gia vào một "mạng lưới an ninh có nguyên tắc" ở châu Á.
Phía Trung Quốc tỏ ra tức giận với những chỉ trích trên.
Chuẩn đô đốc Guan Youfei, chủ nhiệm bộ phận Hợp tác Quân sự Quốc tế của Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cho rằng Mỹ cần giảm các cuộc tập trận mang tính khiêu khích và tuần tra trong khu vực.
Một quan chức Trung Quốc tại Shangri-La cũng phản ứng gay gắt, Nhật Bản không nên can thiệp vào vấn đề Biển Đông.
Bộ Ngoại giao nước này chỉ trích bình luận của Mỹ và Nhật Bản. Mặc dù Bắc Kinh đang gây những mối lo ngại cho an ninh của cả khu vực nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn khăng khăng tuyên bố:"Các nước bên ngoài nên thực hiện các cam kết của họ và không nên có những nhận xét thiếu suy nghĩ về vấn đề chủ quyền lãnh thổ".
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.