Lo ngại dịch lan rộng
TS Nguyễn Văn Kính cho rằng, nhiều người dân mang mầm bệnh trở về từ các địa phương có dịch và trở thành các điểm 'nóng' ở địa phương. Nếu không khống chế tốt thì những điểm 'nóng' này sẽ lan tỏa rộng…
Ảnh minh hoạ |
Số ca mắc có xu hướng tăng
Bộ Y tế nhận định đến nay, dịch cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên, dịch có xu hướng tăng trở lại trong những ngày gần đây do sự gia tăng việc giao lưu và sự chủ quan của một số người dân.
Tại một số tỉnh phía Nam mầm bệnh đã có sẵn trong cộng đồng nên khó khăn trong việc khống chế nhanh các ổ dịch.
Sau một tháng (tháng 10) nới lỏng giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, trung bình hàng ngày ghi nhận 3.000 - 4.000 ca mắc. Đáng ngại, từ đầu tháng 11 đến nay, số ca mắc có xu hướng gia tăng.
Trung bình 6.000 ca mắc mới mỗi ngày. Số ca cộng đồng tăng 9% so với đầu tháng 10 và 3 tuần liên tiếp gần đây có xu hướng tăng. Trong đó tuần đầu tháng 11 tăng gấp 2 lần số ca cộng đồng tăng ở 2 tuần trước đó.
Đánh giá về tình hình dịch, TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, đến nay, dịch Covid-19 đã lan tràn ra khắp 223 nước, vùng lãnh thổ trên toàn cầu với hơn 253 triệu người mắc, hơn 5 triệu ca tử vong. Tuy nhiên, đây chỉ là con số báo cáo theo Worldometer, con số thực tế còn cao hơn nhiều.
3 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất hiện là Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Trong đó, Mỹ là nước có số nhiễm và tử vong cao nhất thế giới. Hiện nay Mỹ vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc.
Trong tuần qua nổi bật nhất trên toàn thế giới là tình hình dịch tại Nga với số người nhiễm và số tử vong trong một ngày cao nhất thế giới (với hơn 40.000 ca nhiễm và hơn 1.000 người tử vong/ngày).
“Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang cảnh báo châu Âu sẽ có một đợt sóng mới. Như vậy, tâm chấn của dịch Covid-19 sẽ quay lại châu Âu và sau đó có thể đến các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Chúng ta đã trải qua 4 đợt dịch và đều như vậy, châu Âu xuất phát trước và sau đó là chúng ta xuất hiện phía sau”, TS Kính nói.
Theo Bộ Y tế, trong 4 tuần qua, châu Âu đã trải qua mức tăng hơn 55% số ca mới và hiện chiếm 59% tổng số ca nhiễm và 48% tổng số ca tử vong toàn cầu. Một số quốc gia có số ca nhiễm đạt mức kỷ lục trong vài ngày qua.
Tại Việt Nam, dịch lan tràn rất nhanh trong đợt dịch thứ 4. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn một triệu ca, hơn 23.000 ca tử vong.
“Đây là cái không ai lường trước được với bối cảnh dịch gia tăng nhanh. Chúng ta bị rất nặng nề tại TPHCM và 19 tỉnh phía Nam”, TS Kính nói.
Theo ông, trong làn sóng thứ 4, dịch tập trung tại 19 tỉnh thành phía Nam và TPHCM. Sau khi TPHCM và các tỉnh này mở cửa đã kéo theo làn sóng người dân về quê. Rất nhiều người đã mang mầm bệnh về và trở thành các điểm nóng ở địa phương.
“Nếu chúng ta không khống chế tốt thì những điểm nóng này sẽ gia tăng mạnh. Chúng ta đang phải chuẩn bị cho một chiến lược để ngăn chặn việc bùng phát của dịch, trên diện rộng, trên toàn quốc 63 tỉnh, thành đều có ca mắc”, TS Kính nhận định.
Dịch vẫn còn, 63 tỉnh thành đều ghi nhận ca mắc
TS Kính cho rằng trước mắt Việt Nam nhìn nhận dù chúng ta đã khống chế được nhưng thực tế dịch vẫn còn đó. TPHCM vẫn ghi nhận một ngày trên dưới 1.000 ca, vẫn có ca tử vong. Hơn thế nữa tất cả 63 tỉnh thành đều ghi nhận các ca dương tính.
Dịch vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường vì vi rút này luôn luôn đột biến thành chủng mới, thậm chí “thoát” cả vắc xin.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng dự báo dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều chuyên gia trên thế giới đã đưa ra nhận định dịch có thể kéo dài, đặc biệt là sau này có thể giảm đi để trở thành một bệnh "đặc hữu" như cúm mùa. Tuy nhiên, người ta cũng chưa biết thời điểm nào vi rút này diễn tiến như thế.
"Điều này phụ thuộc vào vấn đề tiêm vắc xin phòng Covid-19. Dựa trên tỷ lệ tiêm vắc xin của các nước, WHO dự báo khoảng thời gian như trên để đạt được miễn dịch cộng đồng và chấp nhận được để dịch lui và trở về như một bệnh "đặc hữu", đó là chưa đề cập đến sự biến thể của vi rút tạo thành chủng nguy hiểm hơn", TS Phu chia sẻ.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều đồng tình với việc “không thể đóng cửa mãi được, phải thực hiện chiến lược kép về phòng dịch và phát triển kinh tế”.
“Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, để ứng phó linh hoạt với dịch hiệu quả, chứ không thể nào đóng cửa mãi được. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của sản xuất và sử dụng vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng. Tương đương với 4 cấp độ dịch có các hướng dẫn về các hoạt động để triển khai”, TS. Kính nhấn mạnh.
Theo ông Kính, nguyên tắc chống dịch ứng dụng trong xây dựng chiến lược vẫn phải là ngăn chặn, phát hiện sớm, tổ chức cách ly có hiệu quả, điều trị có hiệu quả và kết hợp tạo miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin. Nhưng điều cần lưu ý là tiêm vắc xin có lợi ích là giảm nguy cơ tử vong không giảm được mắc và lây nhiễm. Quan trọng nhất là phát hiện sớm ca bệnh.
“Khi dịch vẫn ở cấp độ 1,2,3 thì vẫn nên duy trì điều trị tập trung, thay vì cách ly F0 tại nhà, như thế mới cắt đứt được nguồn lây nhất”, TS Kính nhấn mạnh.
Bổ sung thêm, ông Phu nhấn mạnh, trong khi Việt Nam chưa bao phủ được diện rộng vắc xin phòng Covid-19 thì người dân dù đã tiêm hay chưa tiêm, dù ở vùng xanh hay đỏ thì luôn không được chủ quan.
Vì không thể đưa ca mắc Covid-19 trở về 0 nên điều đó đồng nghĩa dịch có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào nên cần thực hiện tốt thông điệp 5K.
“Đặc biệt, mối lo hiện hữu với nhiều tỉnh thành trong đó có Hà Nội chính là người đi về từ các tỉnh miền Nam- chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tại những địa phương này, dịch đã nhiễm sâu vào cộng đồng, TS Phu cho biết.
Người dân khi từ vùng dịch về địa phương tuyệt đối không chủ quan, thực hiện tốt 5K. Những trường hợp tự theo dõi sức khỏe tại nhà thì cần lưu ý yêu cầu về cách ly y tế không nghiêm ngặt như người phải cách ly tại nhà (có nhân viên y tế theo dõi giám sát hằng ngày, buồng cách ly riêng…) nhưng cũng không được ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, đặc biệt là không đến những chỗ đông người, không tiếp xúc với người khác để tránh lây cho cộng đồng.
N. Huyền