Lo lắng về một thần đồng trượt dốc
Lo lắng về một thần đồng trượt dốc
Giây phút tỏa sáng
Cách đây vài năm, khi những khả năng đọc viết thông thạo cùng trí nhớ tốt và nhiều giải thưởng ở các cuộc thi với những mô hình sáng tạo, nhiều người đã nức nở gọi em là “thần đồng” hay “siêu thần đồng”.
Hoàng Thân và người ông Cung Văn Hóa |
Chuyện bắt đầu từ lần ông Cung Văn Hóa về thăm người đồng đội cũ ở bản Duyên, xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa, Thái Nguyên và phát hiện ra khả năng nhìn, đọc chữ trên sách báo lưu loát của Hoàng Thân. Bao nhiêu sách, báo ông đưa em đều đọc vanh vách (trừ tiếng nước ngoài). Khi này em mới 3 tuổi.
Đồng đội của ông cũng là ông ngoại của Hoàng Thân, một người dân tộc Tày nghèo khó chỉ đáp lại bằng cái giọng hờ hững: “Cũng chỉ biết cháu nó nhặt được cái gì có chữ là đọc thôi”.
Thương gia đình em nghèo khó, muốn tạo điều kiện để tài năng của Hoàng Thân phát triển ông đã đề nghị gia đình xin được đón em về Hà Nội nuôi dạy. 4 tuổi em được đi mẫu giáo. Rồi em bị…trả về vì lý do khả năng học vượt tuổi mẫu giáo.
Cũng từ đây, ông Hóa mua thêm sách lớp 1, lớp 2 về cho cháu và tiếp tục phát hiện khả năng học, đọc, nhớ lâu của Hoàng Thân. Sau một thời gian, các phép chia có số dư hay phép tính diện tích hình chữ nhật, hình vuông Thân đều thực hiện dễ dàng. 5 tuổi với khả năng đọc thông viết thạo, chỉ một hai buổi đầu đi học, các cô giáo đã xin cho em hết từ học lớp 2 rồi lại lên lớp 3.
Cùng năm này mô hình “học toán thông minh” (giúp thực hiện nhanh các phép tính cộng – trừ – nhân – chia bằng mô hình trực quan và nhanh hơn nhiều so với học trên giấy) của Hoàng Thân được giải đặc biệt Cuộc thi sáng tạo dành cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng.
Và đích thân Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khi đó là Đặng Huỳnh Mai đã quyết định đặc cách cho Thân được đến trường trước tuổi. Cùng năm này em còn được tới thăm và chụp ảnh chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thành công liên tục đến với cậu bé “thần đồng” liên tiếp các năm sau với các mô hình sáng tạo phục vụ cho việc dạy và học trong nhà trường, tiêu biểu như các giải thưởng cao tại cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ II với sản phẩm: "Rừng! Vàng! "; năm 2008 với Cẩm nang và mô hình học môn Lịch sử, năm 2009, là mô hình Phương pháp học toán bằng hình ảnh động; năm 2010 là mô hình về Hệ mặt trời và các hành tinh của nó.
Với khả năng đặc biệt và thành tích học tập cũng như các mô hình sáng tạo trẻ đạt giải cao trong nhiều năm qua, Hoàng Thân được Ủy ban Dân tộc và Miền núi tặng giải đặc biệt trong số 100 em học sinh, sinh viên con em dân tộc đạt điểm thủ khoa 2010. Em cũng là đại biểu trẻ nhất tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII.
Năm 2011, em là thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia cuộc thi Nhân tài đất Việt với đĩa mềm ghi hình tập hợp các bài giảng trên lớp của giáo viên giúp cô trò thuận tiện hơn trong việc dạy và học.
Bỗng dưng...trốn học
Đích thân lên lớp 8A kiểm tra nên cô Phạm Thị Thanh Hà và giáo viên chủ nhiệm, Trường THCS Đại Kim Nguyễn Thị Hương Lan nơi em đang theo học thực sự ngạc nhiên trước thông tin từ ông Cung Văn Hóa cho biết sáng nay em vẫn đi cắp cặp tới trường.
"Trong khi đó, mẹ đẻ của Hoàng Thân đã tới lớp xin cho con nghỉ mấy hôm để về quê thăm bà ngoại đang ốm....", lời cô Hiệu phó.
Tìm đến khu nhà trọ của ông cháu trên đường Định Công Thượng cách đó gần 4km, đợi mãi đến 12h trưa mới thấy cậu bé lóc cóc đạp xe về nhà theo đúng lịch trình hàng ngày khi tan học trên lớp.
Nhìn thấy Thân - ông Hóa gặng hỏi rồi cu cậu lí nhí: “Cháu sợ cô mắng vì nghỉ học, đạp xe đi lang thang. Cháu nghỉ từ mấy hôm nay rồi...
Hoàng Thân chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm lên 5 tuổi (Ảnh do gia đình cung cấp)
Nghe thế, người ông chỉ lắc đầu: “Lại nói dối đây mà. Nó mê game (trò chơi), chắc bỏ học vào quán đấy. Nhà không có tiền cho nó đâu, chắc vào quán đứng nhìn người khác chơi game”.
Đoạn quay sang phía tôi, ông thở dài vẻ lo lắng.
Điều ông lo nhất vẫn là “thằng bé còn nhỏ quá, trẻ con quá. Ở nó như tồn tại hai con người khác nhau, khi học bài hay nói về những ý tưởng gì đó thì rất người lớn. Rồi sau đó lại nhõng nhẽo, trẻ con, nhiều khi thích bim bim hơn giải thưởng”.
Và những lo lắng
Từ một người có nhà ở Hà Nội, khi đưa Thân về nuôi dưỡng ông Hóa ra thuê nhà trọ ở riêng để mong "thần đồng" ngày càng tỏa sáng. Rồi giọng trùng xuống ông nói "nhưng tuổi cũng đã cao nên cũng chỉ lo cho cháu được dăm năm nữa thôi...".
Là người gần gũi với học sinh - Hiệu phó Phạm Thị Thanh Hà cũng là giáo viên dạy Hóa hiện nay của Hoàng Thân chia sẻ: “Có thể cháu giỏi ở các cuộc thi rồi việc học ở mầm non, tiểu học chỉ yêu cầu nhẹ nhàng nhưng càng lên cao việc học càng khó khăn, nhiều kiến thức văn hóa nên học lực 3 năm cấp II chỉ đạt khá”.
“Cháu từng đăng ký và học đội tuyển Hóa học nhưng sau chán, không theo được”, cô Hà cho hay.
Vị hiệu phó thổ lộ: “Thực sự mình cũng lo lắng khi gia đình quyết định cho cháu học vượt cấp. Hoàng Thân rất nhanh trí nhưng chưa chăm, lại mải chơi và còn trẻ con hơn các bạn trong lớp quá”.
Nay lại nghe tin đứa “cháu ngoan” trốn học, ông Cung Văn Hóa như ngã ngửa. Ông chẳng thể khóc cũng không giận nổi mà lo lắng chất chứa. Ông chỉ mong xã hội tạo điều kiện để khả năng của cháu không bị mai một theo thời gian.
Theo Vietnamnet