Lo dân mất nghiệp trên khu tái định cư
Đào tạo nghề cho người bị thu hồi đất chưa đạt hiệu quả - Ảnh minh họa |
Theo đại biểu Trần Minh Thiện, trong hỗ trợ tái định cư, TP.HCM mới chỉ quan tâm nhiều nhất vào việc giải quyết nơi ở mới cho người dân bị thu hồi đất. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều hộ gia đình sau khi được bố trí tái định cư ở nơi mới, lại cho thuê nhà tái định cư và trở về thuê mướn nhà tại chỗ ở cũ để buôn bán, làm ăn.
“Cái quan trọng hơn nhà ở khi tái định cư là giải quyết việc làm. Nơi ở mới phải giúp người dân có thể buôn bán được, hoặc có thể chuyển sang một ngành nghề mới”, đại biểu Trần Minh Thiện nói.
Theo đó, đại biểu này kiến nghị, TP.HCM hiện có 6 vườn ươm công nghệ, hoạt động chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp, nên dùng các vườn ươm này lập những mô hình nhỏ để hỗ trợ người dân tái định cư.
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung thông tin thêm: “Khi khảo sát khu tạm cư phường An Phú, quận 2, chúng tôi đến lúc 2 giờ chiều, giờ làm việc, nhưng hầu như các chị em ở độ tuổi lao động từ 35 – 45 đều đang ở nhà. Họ không có việc làm. Việc này đề nghị chính quyền địa phương phải xem lại, không thể đưa dân vào một khu tái định cư rồi “bỏ rơi” họ. Khi đào tạo nghề cũng cần xem xét kỹ trình độ của từng người dân để giải quyết hiệu quả việc làm cho người dân tái định cư”.
Một hoàn cảnh ở khu tái định cư An Phú, được đại biểu Tuyết Nhung cho biết, gia đình có 5 người con đang độ tuổi đi học, nhưng hai lao động chính trong gia đình lại đang thất nghiệp. Điều này rõ ràng chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Còn khi khảo sát tại chung cư tái định cư Tân Mỹ, quận 7, người dân vào ở từ tháng 4/2009 đến nay và đã trả đủ tiền nhưng lại chưa được cấp giấy chứng nhận. Tại đây, 102 căn tái định cư thì có đến 50 căn đã sang nhượng hoặc cho thuê lại.
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung bức xúc trước tình trạng đời sống người dân khu tái định cư An Phú vẫn chưa được chăm lo đời sống - Ảnh Duy Nguyên |
“Hỏi Tổng công ty địa ốc Sài Gòn – chủ đầu tư, thì đại diện công ty nói đã bàn giao nhà lại cho quận 8, quận 8 lại nói đã bàn giao cho quận 7. Cứ thế đùn đẩy trách nhiệm cho nhau”, đại biểu Tuyết Nhung bức xúc.
Về việc hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi, TP.HCM còn có nguồn quỹ 156 (quỹ hỗ trợ người bị thu hồi đất). Đại biểu Văn Đức Mười nhận thấy, trong quá trình hoạt động, nguồn quỹ dành hỗ trợ người dân về mặt đào tạo việc làm rất lớn. Nhưng lại không có ai đánh giá sau đào tạo có bao nhiêu người có việc làm, hiệu quả ra sao.
Thứ nữa, theo báo cáo của Sở Tài chính TP.HCM, có đến 46,6% dư nợ của quỹ khó thu hồi. “Điều này rất nguy hiểm. Nếu chỉ đánh giá, tổng kết rồi rút ra kinh nghiệm mỗi kỳ thì lo ngại sẽ có bất cập. Quỹ được quản lý như thế nào, phát triển quỹ ra sao phải công khai và rõ ràng. Trách nhiệm của ban điều hành quỹ cũng phải được nêu cao, phải quản lý chặt hơn quỹ này, phải thu hồi dư nợ trong dân để tiếp tục hỗ trợ nhiều hộ dân bị thu hồi đất khác”, đại biểu Văn Đức Mười lo lắng.
Mặc khác, khi đoàn đại biểu HĐND thành phố đi khảo sát thực tế, nhận thấy tại một số dự án, người dân vẫn chưa có thông tin hoặc thậm chí chưa biết về quỹ này. Trong khi đó, tồn quỹ hiện tại lên đến 50 tỷ đồng. Đây là một thiệt thòi rất lớn đối với người dân có đất bị thu hồi mà chưa được thụ hưởng từ nguồn quỹ.