Liệu pháp miễn dịch chữa ung thư: Hy vọng và tuyệt vọng!
Đột phá đắt tiền
Năm 1990, giáo sư James P.Allison (Mỹ) tìm ra một loại protein hoạt động như bộ phanh hay còn gọi là chốt kiểm trong hệ miễn dịch. Hai năm sau Tasuku Honjo (Nhật Bản) tìm ra chốt kiểm thứ hai. Liệu pháp miễn dịch dựa trên khám phá của giáo sư Tasuku cũng chứng tỏ hiệu quả trong việc đẩy lùi ung thư. Hai nhà khoa học này được trao giải Nobel 2018 công bố hôm 1/10 nhờ công trình nghiên cứu này.
Đến nay các nhà nghiên cứu đã tìm ra những chốt kiểm miễn dịch như CAL4, PD1, PD-L1. Từ đó họ bắt tay điều chế được những loại kháng thể đơn dòng nhằm hóa giải, ức chế các chốt kiểm để trị ung thư. Phương pháp điều trị này gọi là liệu pháp miễn dịch. Thuốc này đã được Cơ quan thuốc và thực phẩm FDA Hoa Kỳ cấp phép.
Giải thích về cơ chế điều trị miễn dịch, các tế bào T của hệ miễn dịch tuần tra liên tục trong cơ thể tìm dấu hiệu bệnh tật hoặc nhiễm trùng để tấn công tiêu diệt. Khi tế bào T bắt đầu tấn công, hệ miễn dịch tăng cường sản xuất một loạt phân tử nhằm tránh làm hại các mô bình thường. Các phân tử này là các chốt kiểm soát miễn dịch (immune checkpoints). Mới đây người ta biết được các tế bào ung thư dùng các chốt kiểm miễn dịch này để thoát khỏi sự tấn công của tế bào T. Do đó nếu ức chế được chốt kiểm, tế bào T có thể tiêu diệt tế bào ung thư.
Từ cuối năm 2017, Cục Quản lý dược, Việt Nam đã cấp visa cho lưu hành thuốc điều trị miễn dịch cho bệnh nhân ung thư sử dụng tại một số bệnh viện như Bệnh viện K Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy…
Liệu pháp miễn dịch này được sử dụng cho bệnh nhân ung thư da hắc tố melanoma tiến triển là những bệnh nhân đã không thể phẫu thuật cắt bỏ, hoặc đã phẫu thuật rồi nhưng vẫn bị tràn lan và bệnh nhân đã di căn. Ngoài ra, còn có các bệnh nhân ung thư bàng quang, đầu cổ... đang được tham gia thử nghiệm thuốc miễn dịch trong các nghiên cứu đa quốc gia.
Bệnh nhân ung thư không phải ai cũng chỉ định được |
Giá của mỗi lọ thuốc náy có giá 62 triệu đồng, được BHYT chi trả.
Với mức chi phí như này, theo GS Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch hội ung thư Việt Nam mức chi phí lớn. Ở Mỹ người ta báo cáo một bệnh nhân điều trị bằng liệu pháp miễn dịch tốn cả 100 nghìn USD.
Hơn nữa liệu pháp miễn dịch này không dành cho tất cả bệnh nhân ung thư mà chỉ dành cho 1 phần nhỏ bệnh nhân ung thư và những bệnh nhân bị ung thư da thể hắc tố, ung thư bàng quang, ung thư phổi không tế bào nhỏ, ung thư thận phải ở giai đoạn muộn, di căn. Giai đoạn mà các phương pháp cổ điển như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, nhắm trúng đích không đáp ứng người ta mới chỉ định cho dùng liệu pháp miễn dịch này. Còn bệnh nhân mới phát hiện ung thư không nằm trong chỉ định của liệu pháp này nên khi bệnh bệnh đôi khi có tiền muốn sử dụng liệu pháp miễn dịch cũng khó.
Không chỉ thế, Giáo sư Hùng cho biết để được sử dụng thuốc miễn dịch bệnh nhân bắt buộc phải xét nghiệm tìm ra chốt chặn kiểm miễn dịch để xác định có chốt kiểm soát miễn dịch cùng loại hay không thì mới sử dụng được liệu pháp miễn dịch như trên hay không mới được dùng thuốc.
Với liệu pháp miễn dịch này, bệnh nhân ở giai đoạn cuối đã sử dụng và được các nước báo cáo tỷ lệ đáp ứng cũng chỉ được khoảng 20%, còn lại là bệnh nhân không đáp ứng thuốc. Với tất cả các điều kiện cần và đủ trên, GS Hùng cho rằng người bệnh đừng nên quá mừng vội. Đặc biệt, không được coi các quảng cáo thuốc tăng cường miễn dịch, thực phẩm chức năng là thuốc điều trị miễn dịch trong ung thư.
Hi vọng và tuyệt vọng
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales (Australia) cho biết miễn dịch trị liệu được quảng bá như là một liệu pháp thần kì cho việc điều trị bệnh nhân ung thư. Đọc báo chí trong nước trích dẫn ý kiến của các chuyên gia, bệnh nhân có thể nghĩ rằng miễn dịch trị liệu có thể điều trị dứt (cure) nay mai.
Tuy nhiên, theo GS Tuấn trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của miễn dịch trị liệu, và kết quả RCT giai đoạn II nói chung là khả quan, nhưng khiêm tốn. Liệu pháp miễn dịch trị liệu vẫn là một nguồn hi vọng cho các bệnh nhân ung thư da, phổi, thận.
Riêng về chi phí của miễn dịch trị liệu thì ít ai muốn nói đến, vì nó quá đắt tiền. Theo thông tin trên Tập san Nature thì các thuốc trong nhóm miễn dịch trị liệu thường tốn hơn 100.000 USD và nếu tính thêm các dịch vụ y tế hỗ trợ để thực hiện các liệu pháp này thì tổng chi phí lên đến 850,000 USD cho mỗi bệnh nhân. Số bệnh nhân ở Việt Nam có khả năng chi số tiền này chắc chắn không nhiều.
Hơn nữa các bệnh nhân ung thư cũng đừng quá kì vọng vào miễn dịch trị liệu. Ung thư là một nhóm bệnh, chứ không phải là một bệnh. Hiện nay, miễn dịch trị liệu chỉ mới được nghiên cứu trên một số bệnh ung thư như ung thư da và ung thư phổi, còn đối với các bệnh ung thư phổ biến khác thì chứng cứ về hiệu quả lâm sàng của miễn dịch trị liệu chưa rõ ràng. Ngay cả đối với những bệnh được thử nghiệm thì hiệu quả kéo dài tuổi thọ cũng chưa mấy khả quan.
Những thông tin cho rằng liệu pháp miễn dịch sẽ trị dứt các bệnh ung thư là không đúng với thực tế khoa học. Tuy nhiên, về lâu dài thì chúng ta có quyền hi vọng rằng miễn dịch trị liệu sẽ trở thành một liệu pháp hữu hiệu kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư.