Liều như... nhà thầu
Tại hội thảo “Đánh giá, sắp xếp năng lực nhà thầu xây dựng Việt Nam” Bộ Xây dựng và Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam tổ chức ngày 20-11 đã nêu lên thực trạng khó khăn của các nhà thầu hiện nay và đưa ra giải pháp đánh giá, sắp xếp năng lực nhà thầu.
TS Dương Văn Cận – Tổng Thư ký Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, trên thực tế là nhiều nhà thầu do sức ép công việc, không ngần ngại lao vào các dự án có nhiều sai phạm về thủ tục đầu tư và xây dựng, có nguồn vốn rất mong manh, mà không lường trước hậu quả, nhiều nhà thầu lâm vào tình trạng bị cho là chiếm dụng vốn mà không biết kêu ai.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản hiện đang suy thoái, khối lượng công việc của hầu hết các nhà thầu bị sụt giảm khiến việc làm, đời sống của người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Không ít các nhà thầu phải đối mặt với nguy cơ phá sản, công nhân thất nghiệp… Theo TS Cận đây là một số khó khăn mà các DN đang phải đối mặt. Vì vậy, chúng ta phải xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá năng lực của các nhà thầu hiện nay. Bộ tiêu chí sẽ dựa trên kinh nghiệm, năng lực tài chính, nhân lực, hệ thống quản lý… của nhà thầu để cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực.
Đồng quan điểm trên, TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, một số nhà thầu do áp lực của vấn đề tạo công ăn việc làm cho lao động, tạo thu nhập để bù đắp các chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định... đã vay vốn các tổ chức tín dụng, các tổ chức kinh tế để ứng trước cho các công trình nhằm "đón lõng" nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, khi nguồn vốn này không trở thành hiện thực thì các nhà thầu trở thành con nợ.
TS Liêm cho rằng, vì công trình xây dựng khá phức tạp, ở ngoài trời, thời gian thi công dài, vất vả, giá trị lại rất cao... nên đòi hỏi các nhà thầu phải có đủ kinh nghiệm, năng lực tài chính, năng lực quản lý... để thực hiện. Tuy nhiên, để đánh giá năng lực hành nghề của các nhà thầu ở Việt Nam hiện nay chưa có một cơ quan chuyên trách nào đứng ra đảm nhiệm, nên chúng ta vẫn rất “mơ hồ” về năng lực của các nhà thầu.
Theo kinh nghiệm các nước trên thế giới đều có cơ quan chuyên trách việc đánh giá và cấp chứng nhận năng lực các nhà thầu xây dựng… Nhà thầu nào có đủ các tiêu chí thì được cấp chứng chỉ nhóm A; nhà thầu nào kém năng lực hơn thì xếp vào nhóm B, nhóm C… Vì vậy, chúng ta rất cần có một cơ quan chức năng đứng ra xây dựng bộ chỉ số năng lực nhà thầu và cấp chứng chỉ cho nhà thầu. TS Liêm kiến nghị.
Đại diện Công ty Cổ phần xây dựng Cotec cho rằng, một trong những yếu tố quyết định để đánh giá nhà thầu là tiến độ, chất lượng, an toàn và hiệu quả. Trong những năm gần đây, rất nhiều dự án xây dựng bị kéo dài tiến độ, chất lượng kém và có chi phí vượt xa dự toán ban đầu mà nguyên nhân chính là do nhà thầu không đủ năng lực. Thực trạng trên đặt ra vấn đề cơ quan chức năng cần ban hành bộ chỉ số đánh giá năng lực và lựa chọn nhà thầu một cách chính xác. Đặc biệt là những công trình, dự án tầm cỡ.
Theo đại diện Công ty Cổ phần xây dựng Cotec thì cần phân loại nhà thầu theo nhiều tiêu chí khác nhau như: Nhà thầu là Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; Nhà thầu là Công ty cổ phần có vốn nhà nước trên 50%, nhà thầu là Công ty tư nhân; Nhà thầu là công ty 100% vốn nước ngoài. Sau đó đánh giá năng lực huy động, năng lực tài chính, năng lực hệ thống quản lý, kinh nghiệm… Rồi xếp hạng các nhà thầu theo nhóm A,B,C… tương tư như ở một số nước để tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư ựa chọn nhà thầu.
Đánh giá đúng thực trạng khả năng cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, nhà thầu tham gia đấu thầu bằng một hệ thống chỉ tiêu hợp lý và kết quả công bố khả năng cạnh tranh của từng nhà thầu để phù hợp với cơ chế của Luật Đấu thầu đang trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với mỗi nhà thầu xây dựng hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần phải có một cơ quan chuyên trách đứng ra đánh giá, sắp xếp các nhà thầu theo từng tiêu chí…
Theo các chuyên gia ngành xây dựng, việc đánh giá năng lực cạnh tranh trước hết là để các nhà thầu tự nhìn nhận xem nhà thầu có năng lực cạnh tranh đến đâu? Và đang đứng ở vị trí nào? Từ đó tạo động lực thúc đẩy DN chủ động xây dựng chiến lược phát triển đúng đắn, bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của DN nhằm vươn lên tăng khả năng cạnh tranh đấu thầu trên thị trường xây dựng trong nước và quốc tế.