Liệu có giảm môn thi trong Kỳ thi THPT quốc gia 2020?
Những ngày này, đa số học sinh lớp 12 đều thực hiện việc học trực tuyến tại nhà kết hợp với ôn tập để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, cũng có không ít thí sinh băn khoăn việc kỳ thi sẽ được giảm tải kiến thức thế nào, Bộ GD-ĐT có giảm môn thi hay vẫn giữ nguyên 9 môn như năm 2019...
“Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc học của chúng em bị xáo trộn khá nhiều. Tâm lý cũng hơi hoang mang vì không biết thi quốc gia thế nào cũng như tuyển sinh ra sao.
Như nhà em, bố mẹ sẽ có nhiệm vụ nghe ngóng thông tin về việc giảm tải kiến thức, thời gian thi, thời gian bọn em được đi học trở lại, còn em chỉ việc tập trung ôn tập thôi.
Về đề xuất giảm môn thi quốc gia, theo em nghĩ nếu Bộ GD-ĐT quy định cứng giảm môn nào trong 9 môn thì cũng có sự thiếu công bằng riêng. Hoặc cho chúng em tự chọn môn được giảm thi phù hợp với tổ hợp xét tuyển đại học là tốt nhất. Còn nếu không thì giữ nguyên 9 môn cũng được để học sinh như chúng em đỡ bị xáo trộn khi ôn tập”, em Nguyễn Mạnh Hùng học sinh lớp 12 Trường THCS và THPT M. V. Lômônôxốp cho hay.
Ảnh minh họa |
Cô Văn Quỳnh Giao (Phó hiệu trưởng trường THCS – THPT Lương Thế Vinh – Hà Nội) nêu ý kiến: “Nếu được, Bộ GD&ĐT nên xem xét cho thí sinh thi 3 môn chính là Văn, Toán, Ngoại ngữ, bỏ bài thi tổ hợp nhưng lựa chọn môn thi thứ 4 trong 6 môn tổ hợp. Còn tuyển sinh ĐH các trường tự lo vì hiện nay các trường đã được giao tự chủ.
Như vậy, vừa đảm bảo thí sinh không quá áp lực khi chưa thể quay lại trường học, các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể lựa chọn được những thí sinh có năng lực thực sự phù hợp với ngành nghề đào tạo”.
Cô Giao phân tích, hiện nay học sinh vẫn học trực tuyến vì dịch bệnh chưa thể đến trường. Dù rất cố gắng và nỗ lực nhưng chúng ta phải thừa nhận thực tế là học trực tuyến là giải pháp tình thế không thể hiệu quả như học trên lớp được. Thí sinh phải ôn 9 môn thi quốc gia thì khá vất vả.
Cô Văn Quỳnh Giao - Phó hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh |
Đó là chưa kể, nếu thí sinh chọn xét tuyển ĐH vào khối ngành kỹ thuật thì ôn chuyên sâu khối tự nhiên còn những môn xã hội chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là được.
“Tất nhiên, nếu xét tuyển ĐH trả về cho các trường thì các trường phải xét tuyển làm sao có nhiều thí sinh thực sự “chất” vì đào tạo còn gắn với thương hiệu của nhà trường. Bộ GD&ĐT sẽ đứng ở vai trò quản lý nhà nước, đảm bảo các trường không tuyển sinh quá chỉ tiêu, tuyển sinh ồ ạt”, cô Giao cho hay.
Liên quan đến sự việc, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một số chuyên gia giáo dục có đề xuất cắt/giảm số môn thi trong Kỳ thi THPT quốc gia 2020.
Trong điều kiện cụ thể của giai đoạn này, Bộ GD-ĐT có một số ý kiến như sau: “Kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ được tổ chức với phương thức ổn định như năm 2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới”.
Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu giảm tải chương trình để vừa bảo đảm mục tiêu giáo dục vừa phù hợp với điều kiện dạy học của các nhà trường trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng và sớm công bố đề thi tham khảo cho Kỳ thi THPT quốc gia 2020 phù hợp giảm tải chương trình theo diễn biến dịch Covid-19, làm định hướng cho các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập.