Liên tiếp trẻ uống nhầm hóa chất gây tổn thương nghiêm trọng
Liên tiếp nhiều bệnh nhi ngộ độc hóa chất
Mới đây nhất, ngày 17/7, tại trường mầm non thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, trong lúc tự chơi, bốn học sinh cùng lớp nhặt được một gói bột màu trắng và nhầm tưởng là đường nên rủ nhau bóc ra ăn. Ngay lập tức, các cháu được phát hiện và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, sau đó chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương vào chiều cùng ngày.
Bé Hùng đang được điều trị tại BV Nhi TW |
Trường hợp nặng nhất là cháu Nguyễn Công Hùng (5 tuổi), vào viện trong tình trạng sốt cao, môi tím, loét sâu vùng miệng và hạ họng, kèm theo nhiễm trùng, đau bụng, không nuốt được.
Theo mẹ cháu Hùng, ngay sau ăn phải gói bột trắng, trẻ có biểu hiện khó chịu, nôn, quấy khóc, chảy nhiều nước dãi. Các cô giáo đã lập tức báo cho gia đình đưa trẻ đi cấp cứu. Gia đình cầm theo “thứ bột lạ” này đi kiểm tra và tìm hiểu thì được biết đây là bột thông cống.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngoan – phó trưởng khoa Tiêu hóa, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện tại các bác sĩ chỉ đánh giá được tổn thương ở miệng, họng của bệnh nhân, chứ chưa thể đánh giá được các tổn thương ở thực quản, dạ dày… do phải chờ bệnh nhân đỡ loét, đỡ nhiễm trùng ở miệng họng mới có thể gây mê tiến hành nội soi tìm các tổn thương sâu một cách chính xác.
Gói bột mà 4 bé ăn phải |
Trước đó, BV Nhi Trung ương cũng đã phải phẫu thuật nội soi cắt đi 2/3 dạ dày của một bé trai 7 tuổi (Quảng Ninh) cũng do vừa đi ở ngoài đường về, thấy chai Lavie để trước sân nhà, nghĩ là nước uống bé liền tu ừng ực. Đến khi bé phát hiện là axit loãng để để đổ bình ắc quy thì đã hết nửa chai. Các bác sĩ đã cắt bỏ hết 2/3 đoạn dạ dày của bệnh nhi nhằm giải quyết triệt để nguyên nhân và phòng diễn biến ung thư hóa về sau.
Trong khi đó, tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại BV Bạch Mai. Theo đó, ngày 12/6, Khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng tiếp nhận bé N.T.N (4 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) do uống nhầm dầu máy. Người nhà bé kể lại, sau khi đi chơi về thấy chai C2 đặt trên mặt bàn ngỡ là nước uống dẫu trong đó đựng dầu máy, bé tu một ngụm rồi ho sặc sụa, mặt tím bầm… Bé được đưa đến viện Sơn Tây cấp cứu nhưng sau một ngày bệnh nhi vẫn sốt cao (40 độ) liên tục, khó thở, thở nhanh nên đã được chuyển lên khoa Nhi (BV Bạch Mai) hôm 12/6.
Là người trực tiếp điều trị cho bé N. BS Trương Văn Quý (Khoa Nhi, BV Bạch Mai) cho biết, bé nhập viện trong tình trạng sốt cao 40 độ, thở rút lõm lồng ngực, tím tái khi ho, khóc. “Qua theo dõi, hội chẩn chúng tôi kết luận bệnh nhi bị viêm phổi do hóa chất rất nghiêm trọng, phải điều trị kháng sinh, thở ôxy trong suốt 7 ngày liền bệnh nhi mới qua cơn nguy kịch”- BS Quý nhớ lại.
Cũng tại khoa Nhi, chỉ trước ngày bé N., nhập viện một ngày cũng tiếp nhận một trường hợp bé gái 3 tuổi (Hà Nội) bị sặc do hóa chất để trong chai đựng nước thông thường. May mắn bé gái này uống ngụm nhỏ và nhổ ra được nên chỉ bị viêm phổi nhẹ, được kê thuốc điều trị ngoại trú.
Hóa chất nguy hiểm cần được cất kỹ, để xa tầm với của trẻ
Theo thống kê của khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương, 2 năm gần đây, các trường hợp nhập viện do ngộ độc thực phẩm, chất tẩy rửa, ăn mòn có xu hướng gia tăng. Thời gian này khoa cũng đang điều trị cho các trường hợp ngộ độc với nhiều nguyên nhân như: ăn củ ráy, nuốt phải pin, uống nhầm nước rửa bát….
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngoan cho biết thêm, chất tẩy rửa có 2 nhóm: nhóm mang tính kiềm có nhiều sút và nhóm có axit, các chất ăn mòn này nếu ăn, uống phải đều gây tổn thương đường tiêu hóa với mức độ nặng, nhẹ khác nhau.
Trường hợp nhẹ, sớm được phát hiện và điều trị thì tổn thương chỉ ở mức độ viêm, đỏ, đau. Trường hợp nặng thì gây trợt, loét nông, loét sâu thậm chí là hoại tử nặng. Tổn thương còn tùy theo loại hóa chất, nồng độ hóa chất, thời gian và liều lượng mà trẻ nuốt hoặc ăn phải.
“Khi trẻ ăn, nuốt, uống phải các hóa chất có tính ăn mòn thì việc đầu tiên là cần xử lý ban đầu sớm để tránh tổn thương sâu. Xử trí ban đầu tốt nhất là cho trẻ dùng nước muối loãng súc miệng, nếu trẻ nhỏ thì lau rửa miệng. Lau rửa nhiều làm nồng độ axit thấp đi tại chỗ, tránh tổn thương lan rộng và sâu hơn ở niêm mạc miệng. Sau sơ cứu, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiếp tục được cấp cứu, giải độc.” – Bs Ngoan nhấn mạnh.
Bổ sung thêm ý kiến trên, Ths.BS Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cũng cảnh báo, những tai nạn uống nhầm hóa chất (từ axit loãng, dầu máy, dầu hỏa, thuốc sâu, thuốc diệt cỏ…) đựng trong các chai, lọ đựng nước uống như nước Lavie, trà xanh, C2… là khá phổ biến. Bệnh viện đã từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp uống nhầm hóa chất, thậm chí cả thuốc trừ sâu do người lớn đựng trong các chai lọ này mà trẻ không biết nên uống nhầm và gây nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
“Với bản tính của trẻ là tò mò và thích khám phá thế giới xung quanh, vì thế để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc xảy ra với trẻ, những hóa chất nguy hiểm cần được cất kỹ, để xa tầm với của trẻ. Các em nhỏ ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo cần có người lớn hoặc các anh chị lớn theo dõi và chăm sóc trong quá trình vui chơi. Không để trẻ tự chơi một mình, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra”- BS Nam nhấn mạnh.
Trong trường hợp không may xảy ra ngộ độc, các chuyên gia khuyến cáo, người xung quanh cần nhanh chóng cho trẻ xúc miệng để loại bỏ chất ăn mòn, hóa chất còn nằm lại trong miệng, rồi đưa trẻ đi cấp cứu ngay.