Liên tiếp ghi nhận trẻ tử vong do ăn nhầm lá ngón, cách phân biệt lá cây độc
Ngày 24/12, báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) nêu rõ tại xóm Bản Oóng, xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc có một số trẻ nhỏ rủ nhau ra sau nhà đào hố đất để chơi, 2 cháu là M.V.L (4 tuổi) và M.T.X (3 tuổi) đã hái nhành lá để ăn.
Sau đó, cả hai mê man, bất tỉnh và tử vong. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng đã đến kiểm tra, giám sát tại gia đình, xung quanh nhà, địa điểm các trẻ ra chơi. Kết quả cho thấy tại điểm các trẻ chơi, ngành chức năng phát hiện xung quanh có nhiều cây lá ngón.
Đây không phải trường hợp đầu tiên trẻ tử vong do ăn nhầm lá ngón. Trước đó vào ngày 7/12, tại trường PTDT bán trú tiểu học và trung học cơ sở Nà Khoang (xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, Sơn La) hai học sinh lớp 8 trong giờ nghỉ trưa đã lên đồi phía sau trường chơi và ăn nhầm lá ngón.
Theo thông tin từ nhà trường cung cấp, cả hai em đều không biết đó là lá ngón nên ăn. Sau khi ăn, các em có biểu hiện bất thường gồm đau đầu, chóng mặt, được đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Sốp Cộp, cấp cứu theo phác đồ ngộ độc, truyền dịch, hồi sức. Tuy nhiên, do chất độc trong lá ngón được cơ thể hấp thụ nhanh, một em đã không qua khỏi.
Ở Việt Nam, lá ngón được coi là một trong bốn loại cây có độc tính cao nhất (thuộc độc bảng A), chứa chất kịch độc gây chết người là hoạt chất Alkaloid. Các bác sĩ cho biết lá ngón chứa chất kịch độc alkaloid có thể làm chết người ngay sau khi ăn 1-7 giờ.
Người ngộ độc lá ngón có nhiều triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, yếu mệt, cơ tay chân khó vận động. Trường hợp nặng có thể liệt cơ hoàn toàn, thở yếu dẫn đến suy hô hấp, nhịp tim chậm, huyết áp tụt, ngừng tim, co giật.
Đáng lưu ý, người dân hết sức cẩn trọng khi hái các loại cây rừng làm thuốc hoặc dùng làm thực phẩm bởi loại lá này rất giống nhiều cây thuốc, rau ăn được.
TS. Ngô Đức Phương, Viện trưởng Viện thuốc nam cho biết, lá ngón giống một số cây trong nhóm chè vằng hoặc cây bướm bạc nên vẫn thường bị hái nhầm về uống. Trong đó, phổ biến nhất là nhầm cây lá ngón với cây chè vằng.
Ngoài ra, còn 1 cây khác cũng dễ nhầm được gọi với tên “Rau ngón” mà một số người dân ở vùng Tây Bắc vẫn hái về làm rau ăn, là một cây thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae).
Vì thế để phân biệt giữa cây lá ngón và cây chè vằng, TS Ngô Đức Phương hướng dẫn người dân chú ý đến hoa và quả của hai loại này. Theo đó, hoa của cây lá ngón có màu vàng tươi, không có mùi thơm ngào ngạt; trong khi hoa của chè vằng có màu trắng, mùi thơm ngào ngạt.
“Quả của cây lá ngón là dạng quả nang (khi khô màu nâu, nứt thành 2 mảnh), hình thon dài, dẹt, chứa nhiều hạt nhỏ; quả của Chè vằng là quả mọng, hình trái xoan, chín màu tím đen, thường chứa 1 hạt cứng", TS Ngô Đức Phương thông tin.
Trong khi đó, cây Rau ngón mà người dân vùng Tây Bắc (Lai Châu) làm rau ăn là 1 loài thuộc họ Thiên lý, có đặc điểm dễ phân biệt với lá ngón bởi lá có kích thước lớn, khoảng 8-10cm (hoặc hơn), gốc lá hình tim, dây và lá có nhựa mủ trắng, hoa là 1 chùm hình tán (các hoa là 1 chùm với các hoa mọc từ 1 chỗ và có cuống hoa dài bằng nhau), hoa màu lục hoặc vàng chanh.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện người bị ngộ độc lá ngón, phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp gây nôn, sau đó chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí rửa dạ dày, uống than hoạt tính, truyền dịch, điều trị giải độc, tránh những biến chứng nặng nề, nguy cơ tử vong.
Trong khi đó, theo TS Ngô Đức Phương, kinh nghiệm của một số địa phương thì có thể dùng một số phương pháp như: cho uống tiết dê sống (cũng có thể xuất phát từ việc người ta cho rằng con dê ăn lá ngón không bị chết) hoặc theo kinh nghiệm của người Mông ở xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang thì khi bị ngộ độc lá ngón lấy củ cây cốt cắn vắt lấy nước cho uống sẽ giảm độc tính.
N. Huyền