Lên tuổi cụ vẫn bị ung thư dương vật
91 tuổi còn bị ung thư dương vật
Ông N. V.T, 91 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng đi tiểu khó, đau. Khi kiểm tra bác sĩ thấy ở đầu “của quý” có các nụ sùi khiến hẹp cả niệu đạo miệng sáo. Sau đó, bác sĩ đã tiến hành sinh thiết. Kết quả, bệnh nhân bị ung thư dương vật.
Ngay sau khi biết ông cụ bị ung thư, gia đình đã xin cho bệnh nhân về. Dù bác sĩ tư vấn nên phẫu thuật nhưng bệnh nhân không đồng ý vì ông cụ cho rằng tuổi cao, không cần điều trị. Tuy nhiên, được hơn 1 tháng, bệnh nhân có biểu hiện không đi tiểu được, các nụ sùi tiếp tục to lên. Lúc này, gia đình mới đưa người bệnh vào bệnh viện cấp cứu. Gia đình đã đồng ý để bác sĩ làm phẫu thuật bán thân dương vật, vét hạch bẹn hai bên.
Trường hợp của ông Nguyễn V. C. 54 tuổi trú tại Nam Định cũng tương tự. Ông C. thấy “của quý" bị ngứa ngáy khó chịu. Ông nghĩ do viêm nhiễm nên tự mua kháng sinh về uống. Tuy nhiên, hơn cả tháng sau, chẳng những bệnh tình ông C. không khỏi mà còn bị nặng thêm, lở loét, mưng mủ.
Ông đến khám bệnh, bác sĩ tìm hiểu tiểu sử và lối sống của bệnh nhân không có gì đặc biệt nhưng bao quy đầu của bệnh nhân rất hẹp. Sau khi làm sinh thiết xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện ông bị ung thư dương vật bắt buộc phải phẫu thuật cắt “súng” trước khi tế bào ác tính di căn.
Viêm nhiễm thông thường, phần vì ngượng ngùng, xấu hổ nên nhiều người đã tự điều trị. Đến khi bệnh quá nặng, lở loét, nhiễm trùng, nổi hạch bẹn…, họ mới tìm đến bác sĩ thì đã muộn, việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Lúc này, tùy mức độ, BV buộc phải loại bỏ phần “súng” hư để tránh di căn ác tính cho người bệnh.
Hẹp bao quy đầu gây ung thư dương vật
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Đình Liên – Khoa ngoại – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết ung thư dương vật là bệnh ác tính của cơ quan sinh dục của nam giới do sự phát triển bất thường, mất kiểm soát của các tế bào cấu tạo nên dương vật (95% là ung thư biểu mô tế bào vẩy nguyên phát).
Bệnh thường có triệu chứng ban đầu là ngứa, đau rát dương vật trong sinh hoạt tình dục, chảy máu từ dương vật, đái ra máu; Dương vật có u sù , vết loét…, bao quy đầu chít hẹp. Tuy nhiên khi có các biểu hiện của bệnh, bệnh nhân thường mặc cảm không đến bệnh viện mà tự ý mua thuốc về điều trị.
Đối với giai đoạn khối ung thư còn khu trú, bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt dương vật bán phần, vét hạch. Những bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn thì không có cách nào ngoài phẫu thuật cắt cụt “súng” rộng rãi, vét hạch.
Xạ trị để điều trị bệnh ung thư dương vật cũng được xem là phương pháp tối ưu. Nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm đối với những bệnh nhân trẻ tuổi cần bảo tồn dương vật bác sĩ có thể chỉ định cho xạ trị, còn đối với giai đoạn muộn, có thể xạ trị bổ sung cho phẫu thuật.
Ngoài ra bệnh nhân còn có thể sử dụng hóa chất bôi tại chỗ hoặc thuốc điều trị ung thư toàn thân.Bác sĩ Liên cho biết đối với ung thư dương vật hiện nay, tiên lượng cũng khả quan hơn, giai đoạn sớm u nông: Tỷ lệ sống từ 90 – 100%. Giai đoạn khu trú (T1, T2): Tỷ lệ sống từ 70 -80%, giai đoạn muộn (T3, T4): Tỷ lệ sống < 40%.
Nguyên nhân hàng đầu gây ung thư dương vật theo bác sĩ Liên hiện nay chủ yếu do hẹp bao quy đầu (hơn 90%) vì thế khi bị hẹp bao quy đầu cần đến ngay bệnh viện kiểm tra để tư vấn khám và cắt hẹp bao quy đầu.
Ngoài ra, bệnh nhân bị nhiễm virus HPV (type 16) và tình trạng mất vệ sinh nơi “cậu nhỏ” khiến chất bẩn, vi khuẩn bám lâu ngày gây viêm, loét dẫn đến tổn thương kéo dài, làm thay đổi cấu trúc tế bào và gây ra ung thư.