Lễ Vu Lan: Đội quân cúng thuê giành giật khách trước cổng chùa
Rằm tháng 7 Âm lịch – Lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ, PV Infonet theo chân một số con nhang đệ tử đến chùa Hà để xin lộc. Con đường vào đền là một lối đi nhỏ chen chúc giữa hai hàng quán ăn, dịch vụ bán đồ tế lễ la liệt sát tận cổng chùa.
Nhưng ấn tượng nhất là cảnh đội quân hành nghề cúng thuê mời chào người đi lễ khá nhộn nhịp. Có lòng đi chùa, nhưng có nhóm trẻ không biết cúng vái, xin lộc báo hiếu ra sao, vợ chồng chị Tâm (Hà Đông) trong nhóm quyết định thuê dịch vụ cúng thuê. Sau khi đồng ý với giá 50.000 đồng, bà H làm nghề cúng thuê chỉ cho chúng tôi chỗ mua thêm đồ lễ, hoa quả, viết sớ… rồi không quên dặn khi nào mua đầy đủ thì gọi bà vào cùng để cúng.
Khi đồ lễ đã xong, bà H cùng chúng tôi vào xin lộc, đại loại: "Con lạy bà, lạy cô "tín chủ" con là T và chồng là Đ, con gái tên A ở Hà Đông có lòng thành dâng hoa đến cúng bà. Bà vào cửa cha, bà ra cửa mẹ. Bà thượng tấu, hạ tấu, trên bà lo việc quan, dưới bà lo việc trần phù hộ cho tín chủ của con, lộc trên đưa xuống, lộc dưới đưa lên, mua năm bán mười...
Rằm, đầu tháng, lễ Vu lan... lượng người đi chùa đông, nghề cúng thuê cũng được dịp làm ăn |
Sau lời khấn xin cho chị Tâm chưa đầy 2 phút, bà H đã gọi chị Tâm ra đòi tiền: "Cô cho tôi xin tiền ngay để còn cúng cho người khác, họ đang chờ…. Như đã thỏa thuận chị Tâm móc ví ra đưa cho bà H 50.000 đồng. Bà H vội cầm tiền đưa ngay vào túi rồi tất tả chạy đi để tìm khách vừa thuê cúng tiếp theo…
Theo tìm hiểu một số người bán hàng ở đây, ngày Lễ, rằm nào đội quân hành nghề cúng thuê cũng đều có mặt trước cả tuần lễ để mời chào khách đi chùa. Nhất là vào những ngày Lễ, tết, Vu Lan… người đi chùa đông là cơ hội cho họ kiếm ăn. Mấy ngày lễ Vu Lan này, trung bình mỗi người thu hoạch trên cả triệu đồng.
PV đến đền Bia Bà, Hà Đông (Hà Nội) để tìm hiểu thêm nghề cúng thuê. Đây là di tích lịch sử được xếp hạng. Đền thờ hai vị thành hoàng có tên là "Thiên tướng Hắc diện Đại vương" và "Thiên tiên Bảo Hoa Công chúa". Ngôi đền có tiếng linh thiêng được hàng ngàn con nhang, đệ tử thập phương về tế lễ. Vào những ngày rằm, mùng một hàng tháng, đặc biệt là vào dịp lễ Vu Lan... càng đông hơn.
Chen chân giữa đoàn người nườm nượp vào lễ đền ngày Vu Lan từ sáng, chúng tôi còn đang lớ ngớ ngó ngang ngó dọc, một bà cô chừng ngoài 50 tuổi đến kéo tay hỏi: "Cháu có muốn thuê lễ không? Mua đồ lễ ta khấn cho cháu".
Đến các đồ lễ cũng được người bán hàng ăn rơ với đội quân cúng thuê |
Nói đoạn bà chỉ tay ra phía cửa đền bảo tôi ra hàng chị L sắm lễ. Chị bán hàng tươi cười hỏi: "Em khách bà T. à? Bà ấy xin thiêng lắm đấy". Vừa nói chị sắm cho một mâm lễ mỗi thứ một ít nào là táo, cam, hồng, hương... và một bông hoa có lộc mầm rồi mang vào xin lộc.
Lân la hỏi thêm chị L bán hàng, chị L cho biết, tiền công ở đây cũng được rao với nhiều cung bậc khác nhau, ít thì cũng 30.000 đồng, nhiều thì tuỳ vào lòng thành tâm của khách lễ. Giờ hàng hoá đắt đỏ nên giá thuê cũng từ 40.000 - 50.000 đồng/lượt trở lên. Nếu tiền càng nhiều thì được khấn tử tế có bài có bản, mượt mà rõ ràng.
Tìm hiểu thêm, được biết những người cúng thuê ở đây chỉ cần thuộc một vài bài khấn thơ Nôm trong sách biến tấu một chút, đồng thời thay tên đổi họ, sắp xếp lại trật tự các câu từ phù hợp là có thể "hành nghề" cúng thuê.
Nghề “cúng thuê” đã và đang trở thành một nghề hái ra tiền ở đình, đền chùa… vào những ngày Lễ, Tết, rằm... Chính vì thu nhập cao, mà đội quân cúng thuê ngày càng đông lên tại các đền, chùa linh thiêng…
Bất cứ ai đi chùa xin lộc và ngày này thấy cảnh tượng mời chào, tiếp thị đủ kiểu... giành giật khách diễn ra như cái chợ. Thậm chí không ít cảnh đánh cãi vã chửi nhau của đội quân cúng vái thuê gây mất trật tự, an ninh. Ban quản lý đền, chùa cần có những biện pháp quản lý, tránh để tình trạng nhũng nhiễu, gây khó chịu cho khách đi lễ.