Lễ hội “chém lợn”: “Đừng lên án bằng nhận thức... a dua”
Hơn nữa, càng không thể vì một nền văn hóa khác chê bai mà chúng ta phải bỏ đi giá trị truyền thống. Tất cả mọi sự điều chỉnh và thay đổi đều cần những nghiên cứu kỹ lưỡng, trên cơ sở cân bằng giữa giá trị truyền thống và cuộc sống văn minh.
Đó là quan điểm của không ít người trước trào lưu lên án “Lễ hội chém lợn”.
Lễ hội "chém lợn" (ảnh Dân trí) |
Trước khi có những phân tích kỹ lưỡng từ những nhà văn hóa, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Blogger Nguyễn Ngọc Long, là một người trong những người trẻ về vấn đề này.
Mới đây, cộng đồng mạng ào ào lên án chuyện "lễ hội chém lợn". Họ cho rằng đó là dã man, tạo thành “trào lưu” đòi bỏ lễ hội này. Là blogger Truyền thông Xã hội, ý kiến của anh về "trào lưu" này thế nào?
Tôi còn nhớ cách đây 3 hay 4 năm gì đó, tôi đọc được trên báo bài viết về lễ hội. Cảm giác khi đó là rùng mình kinh hãi. Tôi chia sẻ đường link bài báo về facebook cá nhân kèm theo bình luận "tại sao những hình ảnh khủng khiếp này lại được đưa lên báo?". Tôi nghĩ, cũng nhiều người có chung cảm giác ấy. Đến chiều cùng ngày, những hình ảnh "phanh thây ông ỉn" được gỡ xuống, chỉ còn lại hình ảnh lễ hội thuần tuý.
Kể câu chuyện như vậy để thấy rằng cá nhân tôi cũng thấy chuyện chụp hình, quay phim rồi phát tán những hình ảnh bạo lực trong lễ hội này là không nên. Tuy nhiên, tôi sẽ không bao giờ lên án lễ hội chém lợn như "trào lưu" ném đá của cư dân mạng. Tôi chỉ không ủng hộ việc chụp một cái hình, quay một đoạn clip rồi "cứ thế" đưa lên thôi.
Bản thân anh có cho rằng lễ hội như “đâm trâu”, “chém lợn” có là dã man không?
Chắc là... cũng dã man thật! Vì tôi không dám làm những chuyện như vậy nên tôi thấy dã man. Bảo tôi cắt cổ một con gà tôi cũng thấy ghê tay. Nhưng kêu tôi đập nát bét con muỗi, phọt cả máu ra ngoài thì tôi lại không thấy ghê tay và cũng không thấy việc ấy dã man gì. Tôi nghĩ, cảm giác dã man nó phụ thuộc vào lượng máu chảy ra nhiều hay ít, rồi cả vào số lượng "xương thịt" bị phơi ra ngoài nữa.
Nói một cách khách quan, "dã man" là một định nghĩa thuộc về phạm trù cá nhân, của riêng mỗi người thôi. Ra ngoài chợ, tôi thấy mấy bà bán cá thò tay vào chậu nước bắt lên con cá còn bơi tung tăng, bỏ lên cái thớt rồi đập cái chày nghe "bốp" một cái là con cá chết không kịp ngáp. Có ông thì làm thịt ếch nhái, chặt đầu mổ bụng máu văng tung tóe, xong rồi tới màn lột da. Tôi thề là hình dung lại để trả lời phỏng vấn tôi vẫn nổi da gà. Tôi rất sợ nhìn cái cảnh miếng thịt ếch mất đầu xong còn ngoi ngóp thở. Tôi thấy rất hãi hùng. Chắc so với hình ảnh "ông ỉn" bị hành quyết thì cũng không khác bao nhiêu cả.
Tất cả đều dã man như nhau. Nhưng chính vì có suy nghĩ so sánh và liên tưởng như vậy, tôi cho rằng lễ hội chém lợn là dã man, nhưng sự "dã man" ấy so với các hành động khác trong cuộc sống là rất "bình thường", tôi thấy lên án họ là không đúng. Có điều, tôi không thể làm theo được.
Trước đó, cũng có phong trào “lên án ăn thịt chó”, cũng rầm rộ chẳng kém. Phải chăng đang có hiện tượng 'phương Tây" chê cái gì thì chúng ta bỏ cái đó?
Đúng là mấy trò chê bai dè bỉu của các hội chó mèo đó là học đòi từ phương Tây cả. Ngày trước không ai lên án những chuyện này, bây giờ thì làm rầm rộ, cái gì cũng thành trào lưu hết. Ai lên án theo trào lưu, tôi thấy khinh thường. Còn người đàng hoàng, có hiểu biết, họ nhẹ nhàng khuyên nhủ, lôi kéo theo kiểu khác. Mà thực ra, mấy cái trò phản đối theo trào lưu ấy, khiến chính những người trong cuộc cũng bị che mờ mắt nên lý lẽ họ đưa ra là không thuyết phục, bị phản đối gay gắt, dần dần họ có một độ lùi nhất định, suy nghĩ lại, và chuyển hướng nói chuyện dễ nghe hơn.
Tôi lấy thí dụ cái việc chó mèo. Ngày trước, các hội yêu chó quý mèo hay đưa ra thông điệp "ăn thịt chó là dã man", "chó là bạn của con người", "chó rất thông minh", "kẻ nào ăn thịt chó là vô nhân đạo, tàn ác, không có trái tim" v.v...
Cách truyền thông, vận động như vậy cũng có tác dụng nhất định nhưng tạo ra quá nhiều tranh cãi và đẩy những người có sở thích ở phía ngược lại trở thành kẻ thù. Như vậy rõ ràng là không có lợi. Về sau, họ đổi qua thông điệp khác, nói rằng rất nhiều chó ốm, chó bệnh bị mang đi bán; rất nhiều chó bị tiêm thuốc, rất nhiều virus vi trùng nguy hại có trong thịt chó. Chỉ nói vậy thôi, thì người có suy nghĩ người ta lại tự thấy giật mình, và việc giảm rồi ngừng ăn thịt chó diễn ra nhẹ nhàng, tự nhiên và hiệu quả bền vững hơn.
Cái lễ hội chém lợn này cũng vậy. Tôi thấy rất khó chịu và "xốn mắt" với thông báo của cái tổ chức nước ngoài kia. Cách họ nói rất là trịch thượng, nếu không muốn nói là hỗn láo. Thật kỳ lạ là nhiều tờ báo trong nước lại đăng phát theo kiểu ủng hộ rất hả hê. Nên nhớ, lễ hội của một vùng miền nào đó nó gắn với đời sống văn hoá, tinh thần, lịch sử và cả tâm linh nữa.
Mặt khác chuyện góp ý cũng phải có cách, tùy vấn đề, tôi có thể đúng, có thể sai, việc nhà của tôi, anh là hàng xóm láng giềng, anh có quyền góp ý. Nhưng góp ý thì phải cũng văn minh…
Anh có lo ngại với tốc độ như thế này, sẽ có nhiều nét văn hóa riêng của Việt Nam sẽ bị "thất truyền" không?
Tất nhiên là có. Vì nếu đã dựa vào khái niệm "cuộc sống văn minh" thì đương nhiên những gì xưa cũ sẽ không phù hợp. Cộng thêm việc cư dân mạng cứ đồng lòng hè nhau triệt cho bằng chết thế này thì làm gì còn có nét văn hoá riêng nào sống nổi.
Tôi thấy cái gì cũng có cách giải quyết của nó, tại sao lại cứ đòi cấm vô tội vạ? Nếu chuyện chém lợn bị coi là ảnh hưởng đến tâm lý trẻ con thì đừng cho trẻ con tham dự, giống như đi coi các bộ phim 16+ ngoài rạp ấy. Cá nhân tôi thì thấy hành động lấy tiền nhúng máu thì lại nguy hại hơn vì cảm giác rất mất vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không tốt cho sức khoẻ, cái đó nên nghiên cứu thay đổi được đi thì tốt.
Tiếp theo, tôi mong các cơ quan thông tấn báo chí trước khi lên án lễ hội chém lợn thì cần nhìn nhận vấn đề một cách rộng hơn. Nên có sự liên hệ so sánh với nhiều lễ hội, sự kiện văn hoá tại Việt Nam và trên thế giới.
Thí dụ như lễ hội "Linh tinh tình phộc", chợ tình, tục cướp vợ của người vùng cao Việt Nam, lễ hội dương vật nổi tiếng thế giới của người Nhật Bản có khêu gợi quá hay không? Tục lệ chém giết cá voi của Nhật Bản chiếu theo định nghĩa “dã man” thì ra sao? Vậy tại sao người ta quyết giữ? Phải có lý do đấy chứ.
Ở Đảo Faroe (Đan Mạch) có lễ hội chém cá heo rất "khủng khiếp". |
Đồng ý rằng chúng ta đang hoà nhập, nhưng đừng để mọi thứ cứ tự nhiên hoà tan một cách dễ dàng như vậy. Các góp ý từ một tổ chức nào đó chỉ nên lắng nghe và cảm ơn lịch sự. Sau đó phải có nghiên cứu rõ ràng, nhiều góc độ, để cho nhiều bên ý kiến, xem xét nhiều khía cạnh lợi và hại của các khuyến nghị này. Không thể nào vừa mới có một văn bản đưa ra là đồng loạt báo chí lên án gắt gao theo như vậy. Hay là các nhà báo quên mất rằng một tổ chức nào đó thì cũng chỉ là quan điểm của một nhóm người?
Từ góc độ truyền thông, anh có thể lý giải, chia sẻ vì sao có "trào lưu" như vậy?
Thứ nhất là tâm lý sính ngoại rằng cái gì của Tây thì cũng hay cũng tốt cả. Tiếp nữa là tâm lý bầy đàn và dễ dãi trong suy nghĩ, không có chính kiến, không có phản biện, cứ ào ào theo số đông. Còn lý do quan trọng nhất, theo tôi là vì thông tin trên báo chí thiếu tính định hướng một cách khách quan.
Rõ ràng, nếu xét trong không gian của lễ hội và ý nghĩa của lễ hội, cộng với yếu tố lịch sử và tâm linh thì hình ảnh chém lợn có thể lý giải, mặc dù sự dã man thì vẫn không thay đổi. Nhưng nếu gạt hết các yếu tố vừa kể qua một bên, chỉ nhìn vào cái hình ảnh hoặc đoạn clip chém đứt đôi con lợn ra thì chỉ còn đọng lại một cảm giác duy nhất nơi người xem, người nghe đó là dã man và ghê tởm. Như vậy, họ sẽ rất thuận theo các khuyến nghị của tổ chức nước ngoài.
Xin cảm ơn anh!