Lễ cúng ông Công ông Táo của người miền Trung có gì đặc biệt?
Trong lễ cúng ông Công ông Táo, người miền Trung thường dâng lên một con ngựa bằng giấy, có yên cương đầy đủ thay cho mũ áo |
Ông Táo trong văn hóa Huế và một số tỉnh lân cận cũng có vị trí cực kì quan trọng khi mà người dân vừa thờ ông Táo trên Trang Ông, vừa lập bàn thờ nhỏ ở bếp.
Cứ mỗi 30, mùng 1, ngày 14 và ngày rằm hàng tháng, gia chủ sẽ dâng lễ cúng ông Táo với hoa quả, nhang đèn. Đặc biệt, người phụ nữ miền Trung nết na hiền thảo luôn được căn dặn phải giữ cho bếp núc sạch sẽ, gọn gàng và yên tĩnh.
Chính vì thế mà lễ tiễn ông Táo về trời ở vùng miền này ngày 23 tháng Chạp cũng vô cùng trọng thể. Dân Huế thường đốt vàng mã và dâng cúng nhiều lễ vật cho các Táo.
Ông Táo cũ được tiễn khỏi bàn thờ bếp và đặt bên cạnh các am miếu hoặc gốc cổ thụ cạnh ngã ba đường, gia chủ làm lễ rước ông Táo mới về nhà. Tượng ba ông Táo mới cũng được rước lên bàn thờ để gia chủ dễ bề hương khói.