Lắp máy đo thân nhiệt ở sân bay chống cúm A/H7N9 vào VN
Hiện đã có 24 ca dương tính với cúm A/H7N9, làm 7 ca tử vong tại Trung Quốc. Tuy Việt Nam chưa phát hiện ca dương tính nào nhưng Bộ Y tế đã lên nhiều kế hoạch đối phó với A/H7N9.
Chiều ngày 9/4, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra việc phòng chống cúm A/H7N9 tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất và bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế TP.HCM, cho biết Trung tâm đã chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất cần thiết cho công tác phòng chống dịch bệnh như đặt 3 máy đo thân nhiệt từ xa, 50 máy đo thân nhiệt bấm tay, 500 khẩu trang N95, 28.000 khẩu trang ngoại khoa, 2.000 bộ quần áo chống dịch, 2.000 đôi găng tay, 20 lít hóa chất khử khuẩn chuyên dùng cho máy bay, 100kg Chloramine B sát khuẩn,... Ngoài ra, Trung tâm cũng đã bố trí 15 kiểm dịch viên trực/1 ngày, chia làm 3 ca; 2 xe cứu thương và xe chuyên dụng tại sân bay với đầy đủ hóa chất, máy móc, trang thiết bị.
Nhiều máy đo thân thân nhiệt đã hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. |
Tuy nhiên, theo ông Sáu, những máy đo thân nhiệt tại sân bay hiện chỉ phát hiện được bệnh nhân sốt, còn người ủ bệnh thì… bó tay. Hiện trung bình mỗi ngày, cảng hàng không Tân Sơn Nhất có khoảng 100 chuyến bay. Số lượng hành khách nhập cảng dao động 10.000 - 15.000 người/ngày.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, cho biết nguy cơ virus nguy hiểm H7N9 xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn, vì Việt Nam có đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc khá dài, khoảng 1.406 km, với 5 cửa khẩu lớn. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với cúm A/H7N9. Theo Bộ trưởng, tỷ lệ người nhiễm cúm tử vong cao, cho thấy tính phức tạp của dịch bệnh. Vì vậy, dù chưa phát hiện trường hợp nào mắc tại Việt Nam, nhưng để chủ động phòng chống, Bộ Y tế đã phối hợp với các ban ngành tập trung bằng mọi cách để phòng chống dịch bệnh nguy hiễm này.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là tình trạng nhập lậu gia cầm qua đường biên giới còn diễn biến phức tạp, chưa thể kiểm soát hết. Không loại trừ ca nhiễm virus cúm A/H7N9 xuất hiện ngay trong nội địa do sự lây nhiễm virus từ gia cầm nhập lậu. Trước tình thế như vậy, hiện nay, Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT và các bộ ngành chức năng, địa phương đang ráo riết triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn cúm A/H7N9.
Tại BV Bệnh Nhiệt Đới, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết bệnh viện cũng đã chuẩn bị đầy đủ máy móc, thiết bị, hóa chất, thuốc men để đối phó với cúm A/H7N9. Ngoài ra, cũng đã chuẩn bị 50 giường bệnh cách li, phòng trường hợp có cúm xảy ra. Bệnh viện Nhi Đồng 1 hiện cũng đã chuẩn bị 80 giường bệnh cách ly, BV Nhi Đồng 2 cũng chuẩn bị 30 giường.
Người dân lưu ý không vận chuyển, buôn bán, sử dụng động vật (lợn, gia cầm) ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc để đề phòng dịch bệnh. |
Trước đó, Bộ Y tế Việt Nam cũng vừa thông qua kế hoạch phòng, chống cúm A/H7N9 với 4 kịch bản. Cụ thể: Tình huống 1 là khi chưa có trường hợp bệnh trên người. Yêu cầu phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh cúm A(H7N9) đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam hoặc xuất hiện tại cộng đồng để xử lý triệt để từng trường hợp bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng. Tình huống 2 là có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người. Yêu cầu giám sát phát hiện sớm, không bỏ sót các trường hợp mắc mới, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan trong cộng đồng.
Tình huống 3 là phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ. Yêu cầu giám sát là phát hiện sớm và xử lý triệt để từng ổ dịch, hạn chế tối đa khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng. Tình huống 4 là dịch bùng phát ra cộng đồng. Yêu cầu giám sát trong tình huống này là phát hiện sớm các ổ dịch mới tại các khu vực chưa có dịch.
Ngoài ra, để phòng lây nhiễm chủng cúm thông thường cũng như cúm H1N1, H5N1, H7N9, người dân cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, đặc biệt thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp. Đặc biệt, người dân cần lưu ý không vận chuyển, buôn bán, sử dụng động vật (lợn, gia cầm) ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc.
Ngô Đồng