Lập Hội đồng xếp hạng phương án thi tuyển thiết kế nhà ga sân bay Long Thành
Theo đó, Hội đồng đánh giá xếp hạng phương án thi tuyển kiến trúc Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm Chủ tịch Hội đồng, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng. Các ủy viên Hội đồng bao gồm các đồng chí là lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Quy hoạch Kiến trúc - Bộ Xây dựng, Viện Kiến trúc Quốc gia - Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam...
Theo Quyết định, Hội đồng có trách nhiệm đánh giá xếp hạng phương án thi tuyển kiến trúc Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành, có nhiệm tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc đánh giá, tuyển chọn các phương án kiến trúc dự thi đáp ứng cao nhất các yêu cầu về kỹ thuật, kinh tế, quy hoạch và kiến trúc. Hội đồng sẽ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Phối cảnh tổng thể sân bay quốc tế Long Thành. |
Quyết định cũng yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Chủ đầu tư dự án) phải thành lập Ban Tổ chức, Tổ Chuyên môn, kỹ thuật để giúp việc cho Hội đồng trong quá trình tổ chức thi tuyển, đánh giá xếp hạng phương án dự thi; Tổ chức lấy ý kiến các hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư theo quy định pháp luật; Tổ chức thực hiện các công tác hậu cần trong quá trình tổ chức thi tuyển…
Liên quan đến việc này, mới đây, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) góp ý về quy chế thi tuyển phương án kiến trúc nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tại văn bản trên, lãnh đạo Hội KTS Việt Nam cho rằng, giải thưởng thiết kế nhà ga ở mức từ 10.000 - 15.000 USD cho các giải nhất, nhì, ba là quá thấp so với kinh phí đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chưa tương xứng với lao động sáng tạo của kiến trúc sư.
Theo đó, việc Ban tổ chức yêu cầu cá nhân, tổ chức tham gia dự thi phải đáp ứng tiêu chí là đã từng thực hiện thiết kế kiến trúc ít nhất 2 công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế có quy mô 100.000m2 sàn trở lên, và công trình được xây dựng, đưa vào sử dụng trong vòng 15 năm gần đây là “chủ quan và khó khả thi”.
"15 năm gần đây, trên thế giới không có nhiều sân bay quốc tế với diện tích sàn như trên được xây dựng. Vì vậy, đặt ra tiêu chí đó sẽ hạn chế sự tham gia của các tổ chức tư vấn quốc tế và Việt Nam có năng lực, cũng như hạn chế sự lựa chọn để tìm ra phương án kiến trúc tốt nhất", Hội KTS Việt Nam nêu ý kiến.
Theo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Cảng HKQT Long Thành tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Khóa XIII, ngày 25/6/2015, Cảng HKQT Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); là Cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Về quy mô của dự án, Quốc hội quyết nghị đầu tư xây dựng các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tổng mức đầu tư: Khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD, theo đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỉ đồng (tương đương 5,45 tỉ USD).
Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.
Diện tích đất của dự án là 5.000 ha, trong đó, diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng Cảng hàng không là 2.750 ha; diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 ha; diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200 ha.
Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2019, tới năm 2022 hoàn thành và đầu năm 2023 đưa vào khai thác.