Lào Cai cảnh báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ
Theo phản ánh của người bị hại, lợi dụng lòng tin của nhiều người, các đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội trên nhiều lĩnh vực như đất đai, tài chính ngân hàng, cầm cố tài sản. Điều đáng nói, mặc dù đã được cảnh báo nhưng nhiều nạn nhân sau khi vỡ lở vẫn chưa thể tin đó là lừa đảo.
Năm 2016, Lưu Thị Kim Oanh, sinh năm 1987, trú tại tổ 4 phường Bình Minh, thành phố Lào Cai vay mượn tiền của nhiều người. Do không thể thanh toán được nên Oanh đã bàn bạc với chồng là Hà Ngọc Hoàng (công tác tại bộ phận địa chính xã Cam Đường, thành phố Lào Cai) mượn 2 quyết định phê duyệt trúng đấu giá quyền sử dụng đất để làm tin, vay tiền của chị Lương Thị H.
Tháng 7/2017, Hà Ngọc Hoàng tiếp tục tự ý lấy một số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó soạn thảo các hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với nội dung sang tên cho vợ là Lưu Thị Kim Oanh rồi điểm chỉ, ký mạo tên dưới mục “Bên bán” và mục “Chứng thực chính quyền địa phương”.
Sau đó Hoàng đưa cho Oanh các hợp đồng này cùng các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để mang đi lừa gạt thế chấp vay tiền của các chị Nguyễn Thị Q, Lương Thị H và Bùi Thị Thu H. Tổng số tiền vợ chồng Oanh, Hoàng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản là 5 tỷ đồng.
Vợ chồng Dương và Trang chiếm đoạt tài sản lên tới 100 tỷ đồng của nhiều người. |
Tháng 5/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai tiếp nhận đơn của nhiều nạn nhân trú tại thành phố Lào Cai tố cáo Lê Thị Huệ, sinh năm 1974, trú tại tổ 12 phường Nam Cường, thành phố Lào Cai về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động gửi tiết kiệm vào Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Cam Đường và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Kim Tân với lãi suất cao; thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả và vay tín chấp với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng rồi bỏ trốn để chiếm đoạt.
Thủ đoạn của Lê Thị Huệ là tạo lòng tin để lừa các bị hại gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Cam Đường và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Kim Tân - Phòng giao dịch Bắc Cường thông qua Huệ để được hưởng lãi suất cao ngoài quy định nhằm chiếm đoạt tiền của họ.
Từ ngày 27/12/2016 đến 17/4/2017, Lê Thị Huệ trực tiếp đến 2 địa điểm này gửi 61 sổ tiết kiệm đứng tên các nạn nhân. Sau đó Huệ đã chuyển 50 sổ tiết kiệm trong số 61 sổ tiết kiệm cho Trần Mạnh Cường, sinh năm 1982, trú tại tổ 16A phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai để thuê Cường chỉnh sửa số tiền gửi từ 1 triệu đồng thành số tiền tương ứng với số tiền mà các bị hại đã gửi tiết kiệm thông qua Huệ, hoặc tương ứng với số tiền Huệ đang vay nợ không có khả năng thanh toán mà Huệ đã lừa đảo chiếm đoạt bằng hình thức trả nợ thông qua việc gửi tiền tiết kiệm cho các bị hại vào ngân hàng.
Sau khi làm giả, Huệ đã chuyển các sổ tiết kiệm này cho bị hại nhằm chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà Huệ đã nhận của họ. Quá trình xác minh, cơ quan cảnh sát điều tra xác định Lê Thị Huệ đã lừa đảo chiếm đoạt 241 tỷ đồng của 10 nạn nhân. Ngày 12/10/2017, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng cảnh sát điều tra đã bắt được Lê Thị Huệ khi đối tượng đang lẩn trốn tại thành phố Vũng Tàu.
Đặc biệt trong thời gian gần đây, một số người dân tại thành phố Lào Cai lao đao vì trở thành nạn nhân của cặp vợ chồng Đặng Minh Dương (sinh năm 1991) và Ngô Huyền Trang (sinh năm 1992), hộ khẩu thường trú phường Kim Tân, thành phố Lào Cai. Lợi dụng lòng tin của người thân, bạn bè, Dương và Trang với chiêu trò huy động hùn vốn làm ăn đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều người với số tiền lên tới hơn 100 tỷ đồng.
Thượng tá Nguyễn Minh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai cho rằng: Do ý thức chủ quan, lơ là mất cảnh giác, nhiều người đã mắc mưu tội phạm lừa đảo với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt do chúng sắp đặt. Đặc biệt, các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả được lực lượng công an phát hiện và bắt giữ trong thời gian qua cho thấy sự gia tăng đáng lo ngại của loại tội phạm này.
Với kỹ thuật in ấn hiện đại, công nghệ làm giả các loại giấy tờ ngày càng tinh vi mà nếu nhìn bằng mắt thường không thể phát hiện được. Điều này cho thấy không chỉ cá nhân mà các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và ngân hàng cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của loại tội phạm này. Bởi vậy, việc phát hiện sớm và ngăn chặn loại tội phạm làm giả tài liệu để lừa đảo hiện nay là rất cần thiết.
Theo Thượng tá Nguyễn Minh Thắng, nếu mỗi người dân và các cơ quan, doanh nghiệp tự mình phòng ngừa tốt thì không những bản thân họ không bị thiệt hại mà về phía cơ quan điều tra cũng không phải dày công để khắc phục hậu quả.
Theo báo Lào Cai điện tử