Làm giáo dục sợ "thẳng lưng thành khuyết tật", sống sao giữa tập thể "gù"?
"Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật" - câu nói của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên, nguyên lãnh đạo Phòng Khảo thí, Sở GD&ĐT Hòa Bình trước tòa khiến dư luận phẫn nộ.
Ngày 13/5, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục phần xét hỏi để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2017-2018.
Tại phiên tòa bị cáo Diệp Thị Hồng Liên – nguyên Trưởng phòng Khảo thí (Sở GD-ĐT) Hòa Bình khai đã "đề nghị các giám khảo chấm có lợi cho học sinh của tỉnh mình" nhưng không hề ép buộc cấp dưới chấm theo yêu cầu.
Đáng chú ý, bị cáo Liên cho rằng có nhiều trường hợp gian lận, mình không làm theo sẽ khó vì: "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật".
Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên trước tòa (ảnh: Báo Giao thông) |
Ngay sau phát ngôn của bị cáo Liên tại tòa đã khiến dư luận phẫn nộ vì cách bao biện khó chấp nhận này.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho hay: “Thực ra, câu nói “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật” là một nhận định rất thực.
Thực tế là khi tiêu cực thao túng cả một tổ chức, nếu cá nhân nào đứng ra khỏi vòng xoáy tiêu cực đó thì lập tức bị cô lập. Nhưng nói thế không có nghĩa là bị cáo Liên có thể biện minh cho hành động sai trái của mình.
Trước khi đổ lỗi cho hoàn cảnh, bị cáo này phải nhìn nhận lại bản thân mình trước.
Lấy lý do hoàn cảnh để chống chế càng khiến dư luận thêm bức xúc vì sự thật bị xem thường. Mọi việc xảy ra xuất phát từ việc không có đạo đức và cái tâm của những người thầy và bây giờ họ phải nhìn nhận ra lỗi lầm của mình, trả giá cho điều đó.
“Việc nâng điểm thi đã cướp mất tấm vé vào đại học một cách chính đáng của rất nhiều thí sinh, nhất là những thí sinh nghèo, từ đầu đến cuối chỉ biết nỗ lực học tập. Các bị cáo nên xem đó là sự xấu hổ. Đã làm ngành giáo dục thì phải nêu gương sống tử tế để thế hệ con em noi theo.
Nếu cảm thấy sức ép, sợ mất việc... thì nên nỗ lực kiếm tiền một cách lương thiện hơn ở những ngành nghề khác. Các bị cáo có từng nghĩ đến một hệ lụy, một sinh viên đỗ vào trường y nhờ nâng điểm, sau này sinh viên đó sẽ là bác sĩ, không có năng lực nhưng vẫn cầm dao mổ thì hệ lụy khôn lường đến nhường nào?”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến phân tích.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nếu sống trong một tập thể “gù”, vấn đề là hòa nhập chứ không được hòa tan, cá nhân mình phải góp sức làm trong sạch tổ chức. Mong rằng tòa án sẽ có những phán quyết công tâm để không còn tình trạng nâng điểm tái diễn, đồng thời góp phần dẹp "chứng bệnh gù".
Hoàng Thanh