Làm gì để mô hình bác sĩ gia đình phát triển?
Vấn đề này đã được đặt ra tại hội thảo về đào tạo bác sĩ gia đình diễn ra tại TPHCM.
PGS.TS Phạm Lê An, Trưởng Trung tâm đào tạo bác sĩ gia đình (ĐH Y Dược TPHCM) cho biết, từ năm 1999, dự án hỗ trợ đào tạo bác sĩ gia đình được manh nha triển khai tại 3 trường ĐH (Y Hà Nội, Y dược TPHCM và Y Thái Nguyên). Đến tháng 3/2000, Bộ Y tế đã chính thức công nhận chuyên ngành y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ CKI về Y học gia đình.
BS Nguyễn Thị Hồng Yến, Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh, trong năm 2013 – 2014, tháng 5/2014, Bộ Y tế đã có hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình, xây dựng chương trình đào tạo để cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình.
Các địa phương triển khai thực hiện bác sĩ gia đình đã khám sàng lọc 169.323 lượt bệnh nhân, quản lý sức khỏe 68.607 học sinh, khám bệnh 353.000 ca, khám cấp cứu 2.743 ca, thực hiện 7.002 ca thủ thuật, 67.068 ca xét nghiệm, chuyển tuyến 11.54 ca, khám bệnh tại gia đình 2.391 ca…
Y học gia đình ở VN là một chuyên ngành mới cùng với chuyên ngành Nhi đảm trách chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm quản lý và giải quyết các vấn đề sức khỏe thông thường của người dân, có vai trò quan trọng trong việc giảm tải ở các tuyến nhưng chưa được chú trọng về đào tạo. BS đa khoa hiện nay chỉ chú trọng đào tạo kỹ năng khám bệnh nội trú mà chưa được đào tạo chuẩn hóa về chăm sóc ngoại trú.
Theo TS.BS Nguyễn Hùng Vĩ (Phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang), y bác sĩ được đào tạo chủ yếu nhằm phục vụ trong môi trường bệnh viện, chưa được cung cấp đầy đủ kiến thức và kỹ năng công tác tại tuyến y tế cơ sở, chưa được đào tạo về quản lý sức khỏe cộng đồng chủ động.
Thực tế, trạm y tế xã, phường không quản lý được sức khỏe cộng đồng, phương tiện thủ công, số liệu không trung thực… Bên cạnh đó, vẫn chưa có yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng cho y bác sĩ tuyến y tế cơ sở; chưa có chủ trương, yêu cầu và cơ chế tổ chức cập nhật kiến thức, kỹ năng mới thường xuyên cho y bác sĩ trong khi mô hình bệnh tật ngày một thay đổi.
Dịch vụ y tế tại trạm y tế còn nhiều hạn chế: Thiếu y bác sĩ, thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị chẩn đoán và điều trị. Chất lượng chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, đang “cung cấp cái mình có thay vì cung cấp cái người dân cần”. Thái độ phục vụ của nhân viên trạm y tế còn hạn chế, chưa xem người bệnh là khách hàng trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh ngày càng cao khiến người dân không còn tín nhiệm y tế cơ sở, dẫn đến quá tải triền miên bệnh nhân bảo hiểm y tế ở các bệnh viện tỉnh và huyện.
Trong khi đó, tổ chức phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều khó khăn, giá khám chữa bệnh ban đầu theo bảo hiểm y tế tại phòng khám bác sĩ gia đình quá thấp (4.000đ/lần)…
Ông Nguyễn Tuấn Hưng, Vụ phó Vụ Tổ chức (Bộ Y tế) cho biết, nếu chất lượng y tế cơ sở mạnh, người dân sẽ sẵn sàng điều trị tại địa phương thay vì dồn hết lên các bệnh viện tuyến trên. Bác sĩ gia đình có vai trò rất quan trọng trong khám chữa bệnh sức khỏe ban đầu cho người dân nhưng hiện nay còn vướng khá nhiều chính sách cho bác sĩ gia đình như được quản lý bao nhiêu thẻ khám chữa bệnh, được giới thiệu người bệnh đến tuyến nào?...
Theo kiến nghị của các trung tâm bác sĩ gia đình, Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM cần có những hỗ trợ về chính sách để nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trên toàn quốc nhằm tăng nhân sự y học gia đình trong các khoa khám bệnh ngoại trú tại các bệnh viện; đẩy mạnh truyền thông về mô hình bác sĩ gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân hiểu rõ về lợi ích khi tham gia khám chữa bệnh tại các phòng khám bác sĩ gia đình; hỗ trợ hoạch định chính sách ưu tiên chi trả cho bệnh nhân khám chữa bệnh ban đầu tại các phòng khám bác sĩ gia đình…