“Lãi suất cho vay nên giảm xuống 10%”
Kiến nghị này đưa ra trong bản báo cáo tình hình kinh tế tháng 5/2013 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG).
Theo UBGSTCQG, tình hình kinh tế tháng 5 tuy đã có cải thiện nhưng tổng cầu của nền kinh tế còn yếu. Tính chung 5 tháng đầu năm, mức tăng của tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 4,8%, hầu như không cải thiện so với mức 4,6% của 4 tháng đầu năm và thấp hơn nhiều so với mức 6,6% và 6,4% của 5 tháng đầu năm 2012 và 2011.
Lãi suất giảm xuống 10%, doanh nghiệp sẽ hấp thụ vốn tốt hơn |
Tín dụng tăng chậm và được dự báo khó đạt kế hoạch đề ra cho năm 2013 sẽ gây những khó khăn nhất định cho kế hoạch vốn đầu tư của năm 2013.
Cụ thể, tính đến 29/4/2013, tín dụng chỉ tăng 2,11% so với cuối năm 2012 (trong đó, tín dụng bằng VND tăng 4,15%, ngoại tệ giảm 7,2%). Đây là mức tăng thấp so với mục tiêu 12% của cả năm 2013.
“Như vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm, trong 8 tháng còn lại, mỗi tháng tín dụng phải tăng đều ít nhất 1,25%”- báo cáo viết.
Thực tế, tín dụng “ì ạch” đã diễn ra từ cuối năm 2012, trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, thị trường bất động sản hoạt động cầm chừng và tổng cầu của nền kinh tế đang yếu, để đạt được mức tăng trưởng tín dụng đều đặn trên 1% mỗi tháng là nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Do huy động của hệ thống tăng khá và tín dụng tăng chậm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện khá dồi dào và không nhiều biến động. Lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng cho kỳ hạn qua đêm và 1 tuần nhiều thời điểm trong tháng 5 đã tiếp tục hạ xuống dưới mức dưới 2% so với mức phổ biến từ 3-4% trong tháng 4.
Nhìn nhận về điểm tích cực của thị trường, UBGSTCQG đánh giá, hệ thống ngân hàng đang phát đi những tín hiệu cho thấy các NHTM có thể tự điều chỉnh lãi suất mà không cần đến sự can thiệp hành chính của NHNN.
Sau quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN được ban hành ngày 10/5/2013, tuy trần lãi suất huy động vẫn được giữ không đổi nhưng trước đó một bộ phận các NHTM lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbak, Agribank đã chủ động hạ lãi suất huy động VND các kỳ hạn dưới 12 tháng xuống chỉ còn ở mức 5-6%/năm.
“Điều này tạo tiền đề cho NHNN sớm có thể dỡ bỏ trần lãi suất trong thời gian tới” – báo cáo của UBGSTCQG nhận xét.
Song, trong kiến nghị của mình UBGSTCQG vẫn đề xuất, để thị trường tăng khả năng tự điều tiết cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động. Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh hạ mặt bằng lãi suất cho vay tín dụng xuống khoảng 10% nhằm khuyến khích doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất.