Ký ức Tết đầu tiên ‘không pháo’ ở làng pháo Bình Đà
Ký ức Tết đầu tiên ‘không pháo’ ở làng pháo Bình Đà
Dù mừng ra mặt vì không phải “đốt tiền” nhưng sáng mùng một Tết mẹ tôi vẫn chép miệng: “Nhìn cái sân trống trơn không xác pháo cũng kém vui…”
Nhà tôi chỉ nằm cách làng pháo Bình Đà chưa đầy 2 km. Và tất nhiên, trong gánh hàng sắm Tết của mẹ tôi ngày ấy, ngoài lỉnh kỉnh lá dong, thịt lợn, cành đào, cân gạo nếp… không bao giờ thiếu một bọc pháo dùng để đốt đêm giao thừa. Nhấc bánh pháo ra khỏi cái gánh trĩu trịt đồ, mẹ lần nào cũng chép miệng tiếc rẻ: “Phí tiền thật! Là đốt tiền chứ lợi lộc gì…”. Là mẹ tôi tiếc tiền nên nói thế, chứ tôi cũng biết, với người dân quê ngày ấy, không có pháo thì nom Tết thiêu thiếu cái gì đó mà mọi người vẫn đùa rằng “không có mùi Tết”.
Tôi lúc ấy khoảng 5 – 6 tuổi, cũng nằng nặc theo mẹ đi chợ Tết, và khi ghé hàng pháo tôi cũng đòi cho kỳ được một dây pháo tép con con. Pháo tép là những quả pháo nhỏ xíu như đầu đũa, màu phơn phớt đỏ, đầu dây pháo có que cầm dài chừng một mét, khi đốt nổ lép bép nghe rất vui tai. Trẻ con chúng tôi ngày ấy, đứa nào cũng mê mẩn.
Đêm giao thừa, pháo nhà tôi năm nào cũng nổ giòn giã nhất nhưng hết sớm (bởi mẹ tiếc tiền chả dám mua dây pháo dài). Bố tôi lại tiếc rẻ, đứng ra trước cửa nhà rồi nghe ngóng xung quanh. Thi thoảng cũng reo lên như đứa trẻ được quà: “Pháo của nhà bác Lộc ở đầu làng kia đanh thế, chắc năm nay nhà ấy làm ăn được”.
Những tiếng pháo vừa đanh vừa giòn ấy kéo những đứa trẻ đang nằm vùi trong chăn ấm, dù có ham ngủ đến mấy cũng vội vàng mắt nhắm mắt mở chui ra ngoài, chạy ra đầu ngõ nghe ngóng. Cứ mỗi đợt pháo nổ inh tai là cả bọn lại nhảy cẫng lên vỗ tay đồm độp đầy thích thú. Nghe hết loạt pháo từ đầu đến cuối làng, chúng tôi mới lại ríu rít chui vào chăn ngủ.
Tiếng pháo nổ giòn tan đêm giao thừa là niềm háo hức của chúng tôi một thời. Ảnh minh họa |
Sáng mùng 1 Tết, lũ trẻ con sau khi dậy rất sớm chạy loanh quanh khắp nhà, vòi vĩnh tiền mừng tuổi của người lớn trong gia đình, chẳng bao giờ thiếu màn… mót pháo. Ấy là những quả pháo xịt, bụng vẫn còn nguyên thuốc pháo nằm lẫn trong đống xác pháo te tua sau đêm giao thừa. Sau đó, chúng tôi gom lại, bóc vỏ pháo và chơi trò... dùng gạch đập thuốc.
Những hòn gạch giáng xuống chút thuốc pháo tóe lửa, gây tiếng nổ lách cách rất vui tai . Dù có phần “nguy hiểm” nhưng lại là trò tiêu khiển “sướng” bậc nhất của lũ trẻ trong xóm tôi thủa trước.
Năm 1995, lệnh cấm pháo được ban hành! Tôi vẫn nhớ như in cái năm ấy. Từng xe tải chở pháo đổ thành từng đống cao ngất rồi tưới nước lên. Bánh pháo đỏ au, căng tròn, dính nước thì trương phình ra, vỏ nát nhão… Những nhà làm pháo nhìn cảnh ấy mà không cầm được nước mắt, cứ nhìn đống của thành một mớ phế thải mà sụt sịt.
Năm ấy, Tết đầu tiên không có pháo, bố tôi hình như không còn hào hứng đón giao thừa như trước. Đám trẻ con chúng tôi cũng ngủ vùi ngủ vụi quên cả dậy lúc giao thừa ăn gà cúng. Bà và mẹ thì mừng ra mặt vì không còn phải “đốt tiền” nữa. Tuy nhiên, vào sáng mùng 1 năm ấy, mẹ vẫn chép miệng: “Nhìn cái sân trống trơn không xác pháo cũng kém vui…”.
Khỏi phải nói, người dân Bình Đà khi ấy hoang mang thế nào. Nhiều ông bác là bạn bố tôi, Tết năm ấy đến nhà cứ thở dài thườn thượt: “Biết làm cái gì mà ăn bây giờ”. Bố tôi, một người mà tôi cho rằng mê pháo bậc nhất trong nhà, khi ấy, sau một hồi suy nghĩ bỗng gật gù đưa ra nhận định:
“Tôi thấy nhà nước cấm pháo là đúng. Chả biết xưa các cụ thế nào, chứ tôi thấy, chỉ mấy năm nay mà pháo nó làm chết bao nhiêu người. Đấy, ngón tay cụt của bác cũng là do thuốc pháo nó gây ra đấy thôi. Cái thú gì mà không an toàn thì bỏ cũng là phải!
Còn làng bác, từ đời cha đời ông làm pháo, giờ bảo bỏ nghề đúng là cũng hoang mang thật. Thế nhưng, chỉ cần mình còn sức thì làm gì mà chẳng được. Từ từ mình chuyển sang nghề khác, rồi đâu lại vào đấy thôi…”. Chẳng biết vì nghe bố tôi nói phải, hay vì “sự đã đành” nên ông bác cũng gật gù đồng ý.
Làng pháo Bình Đà hiện nay. |
Người làng Bình Đà sau độ ấy lũ lượt kéo nhau đi làm thuê, làm mướn khắp nơi. Từ xây dựng, làm mộc, đến bốc vác… Qua mấy năm, cuộc sống dần đi vào ổn định người dân cũng không còn hụt hẫng bởi mất nghề cha ông truyền lại.
Tính đến giờ đã 17 năm trôi qua, làng Bình Đà ngày nay đã thay da đổi thịt, trở thành một trong những làng giàu nhất huyện. Nhà lầu san sát, cuộc sống của người dân cũng sung túc lắm, chẳng còn ai chép miệng tiếc nghề pháo nữa.
Tiếng pháo giờ đã trôi dần vào dĩ vãng của một thời rất xa.
Lê Trang