Kỹ năng công sở để sếp quý, đồng nghiệp không ghét
Ảnh: minh hoạ |
Trao đổi về chủ đề này, Trưởng phòng Nhân sự công ty tuyển dụng và cung cấp việc làm uy tín CareerLink cho biết đồng nghiệp ghét khi được sếp yêu mến là tình huống công sở không mới và hoàn toàn có thể giải quyết “nhẹ nhàng” bằng những cách dưới đây.
1. Tìm hiểu nguyên nhân đồng nghiệp ghét bạn
Muốn có cách giải quyết tốt nhất bạn nên dành thời gian tìm hiểu để biết được gốc rễ của vấn đề. Bạn cần xác định được nguyên nhân mang tính khách quan hay chủ quan, xuất phát từ cách ứng xử, làm việc của bạn hay chỉ đơn thuần là sự đố kỵ nơi công sở… Ví dụ: Đồng nghiệp nói với những người khác là bạn được “chống lưng” thì nguyên nhân có thể là do mối quan hệ. Khi đã xác định được lý do bạn nên tùy vào từng trường hợp mà áp dụng cách giải quyết cho phù hợp.
2. Hóa giải các mâu thuẫn
Những hiểu lầm, mâu thuẫn trong công việc cũng có thể là nguyên nhân khiến đồng nghiệp ghét bạn. Vì thế, hãy rà soát lại nếu có những mâu thuẫn, hiểu lầm với các đồng nghiệp thì nên tìm cách “hóa giải” sớm. Một cuộc trò chuyện trực tiếp, thẳng thắn trao đổi các vấn đề là một gợi ý giúp hai bên xóa bỏ các hiềm khích, giúp hiểu nhau hơn để phối hợp ăn ý trong công việc cũng như tăng sự cảm mến. Nếu gặp khó khăn, bạn có thể nhờ sự trợ giúp của một người đồng nghiệp “có tiếng nói” hoặc sếp làm “cầu nối” tháo gỡ các mâu thuẫn, hiểu lầm trước đó.
3. Lên kế hoạch “chinh phục” đồng nghiệp
Ngoài ra việc bị đồng nghiệp ghét còn có thể xuất phát từ việc bạn được người quen giới thiệu vào làm việc, được ưu ái trong quá trình tuyển dụng… khiến họ chưa thật sự “phục”. Hãy chứng tỏ cho đồng nghiệp thấy bạn là một nhân viên có năng lực thực sự và bạn xứng đáng nắm giữ vị trí đó chứ không phải nhờ vào mối quan hệ bằng chính kết quả công việc. Tin rằng với những thành tích đạt được bạn sẽ sớm được đồng nghiệp thừa nhận về khả năng của mình và không còn ác cảm, ganh ghét.
4. “Thay đổi” bản thân
Bị đồng nghiệp ghét còn có thể xuất phát từ cách làm việc, ứng xử chưa thật sự khéo léo. Ví dụ: bạn quá bảo thủ, tự cao, hay soi mói, chưa thật sự hòa đồng với mọi người… Hãy tự đánh giá lại mình nếu thấy có các biểu hiện trên thì cần từ bỏ và thay đổi sớm cũng như từng bước xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn. Cụ thể trong giao tiếp và ứng xử bạn cần tế nhị và khéo léo hơn, tuyệt đối không soi mói, trong công việc thì cần tôn trọng, lắng nghe ý kiến của mọi người cũng như tích cực tham gia các công việc chung...
5. Nhờ cấp trên hỗ trợ
Trong một số trường hợp, điều khiến đồng nghiệp “không ưa” bạn còn có thể xuất phát từ việc cấp trên luôn ưu ái giao những công việc, dự án quan trọng… Vì thế, bạn cần chủ động chia sẻ “nỗi khổ tâm” này để sếp thấu hiểu và có chiến lược giao việc khéo léo hơn, để các đồng nghiệp không cảm thấy sếp thiên vị mà nảy sinh sự đố kỵ, ganh ghét. Ví dụ: Thay vì trực tiếp giao những dự án quan trọng ngay cho bạn, hãy gợi ý sếp tổ chức cuộc thảo thuận để tất cả mọi người bày ý tưởng, sau đó mới lựa chọn.
6. Suy nghĩ tích cực
Song song đó bạn cũng cần suy nghĩ tích cực, tuyệt đối không nên vì bị đồng nghiệp ghét bỏ, cảm thấy chán nản mà quyết định nghỉ việc với suy nghĩ sẽ được “giải thoát”. Bởi trong thời buổi cạnh tranh như hiện nay sẽ không dễ dàng tìm được một công việc tốt và được cấp trên tín nhiệm.
Thay vì lựa chọn hạ sách nghỉ việc bạn nên xem sự ganh ghét là một “thử thách” nơi công sở và cố gắng tập trung làm tốt công việc của mình. Riêng với các đồng nghiệp bạn vẫn nên hợp tác và ứng xử thân thiện, lịch sự. Tin rằng với sự nỗ lực hết mình trong công việc và khéo léo trong giao tiếp thì sự ganh ghét, đố kỵ của đồng nghiệp sẽ sớm chuyển thành sự nể phục.