Kỳ lạ loại cây tiết ra nước của người Cơtu được ví như "tiên tửu nhà trời"
Già làng PơLoong Jim (thôn A Rầng 1, xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết, từ bao đời nay, người Cơtu sống trên dãy Trường Sơn luôn truyền cho nhau về cách lấy 1 loại nước " thần kỳ" từ thân cây Tr’đin. Đây là loại nước được ví "rượu nhà trời" vì nó được tiết ra từ thân cây.
“Nói rượu cũng đúng mà nói một thứ nước uống của người Cơtu cũng không sai. Bởi sau những ngày lam lũ trên nương rẫy, có Tr’đin uống thì sảng khoái vô cùng”, già làng Jim chia sẻ và cho hay, ở trong thôn nhà nào cũng có cây Tr'đin và mỗi người làm chủ vài cây ở trong rừng.
Người dân trèo lên cây Tr’đin cao chót vót để lấy nước |
Chỉ tay vào một cây Tr’đin, anh Alăng Zênh cho hay, cây này anh đã lấy 5 năm liền nhưng chẳng lúc nào cạn nguồn. “Tr’đin lạ lắm, quanh năm cho nước. Mỗi khi người Cơtu có lễ hội thì đám con trai trong làng trước đó đã lên rừng đục cây lấy nước để uống. Tuy nhiên cây cho nước nhiều nhất trong năm là từ tháng 4 đến tháng 7”, anh Zênh tiết lộ.
Cây Tr’đin cao chừng 15m, thân thẳng tắp, lá xanh ngắt. Cây Tr’đin giống cây đủng đỉnh dưới xuôi. Nó có đặc điểm là mọc ở khu vực ẩm ướt, nhất là cạnh suối nước. Nhìn lên đọt cây thấy can nhựa được đặt vào thân. “Để lấy Tr’đin, mình phải chặt cây lồ ô làm thang. Sau đó dùng dây mây buộc chặt. Tại đọt Tr’đin, mình làm giàn để ngồi đục thân cây. Bỏ công lần đầu, còn những lần sau cứ trèo lên đục một lớp mỏng là nước trong thân cây chảy ra”, anh Zênh giải thích cách lấy nước từ loại cây này.
Anh Zênh đục thân cây Tr’đin để lấy nước. |
Với kinh nghiệm bao năm, Zênh chia sẻ, vị trí lý tưởng để đục lấy nước là ở gần ngọn cây. Đục xong, thấy ở trong đọt trắng mềm là cây có khả năng ra nước nhiều, ngược lại nếu đọt trong cứng vàng thì nước ít. Đặc biệt, sau khi lấy nước, anh Zênh cho một loại vỏ cây vào. “Không có nó thì nước sẽ không ngon. Người Cơ Tu có kinh nghiệm lấy vỏ cây chuồn lột vỏ, phơi khô rồi bỏ vào nước cây Tr'đin để nước không bị nhanh hỏng…”, anh Zênh nói.
Nước của Tr’đin được ví là “thiên hạ đệ nhất tửu Trường Sơn” của người Cơtu. |
Cũng theo anh Zênh, hiện cây Tr’đin ở khu vực núi rừng này đã có chủ, hầu hết đã khai thác. Tr’đin quá 6 năm tuổi thì bắt đầu đục. Người nào dựng thang đục cây hứng nước thì người đó lấy. Giữa núi rừng nhưng chẳng ai lấy của ai, người nào làm thì người ấy hưởng. Người Cơtu không ăn trộm cắp của ai hết, nếu bị phát hiện thì sẽ bị làng phạt.
Già làng Jim tâm sự, nước từ cây Tr’đin là loại nước từ thiên nhiên, không có chất hóa học, nên chẳng phải sợ. Già làng Jim cười nói và cho hay, uống Tr’đin không phải bằng ly, phải rót ra chén uống mới đã.
Vỏ cây chuồn khô được cho vào nước cây Tr’đin. |
Cũng theo vị già làng, nước cây Tr’đin có thể để được vài tháng nhưng phải thay vỏ cây chuồn thường xuyên. Như vậy để được lâu và uống ngon, không hỏng. Uống Tr’đin phải tuân thủ những nguyên tắc, vì là nước của trời ban cho nên khi uống không đổ nước thừa trong chén vào bếp tro nóng. Họ cho rằng làm như vậy trời sẽ phạt bằng cách làm cho cây Tr’đin bị tắt nước hoặc không chảy nước trong một thời gian.