Kon Tum: Tết cổ truyền độc đáo của người Ba Na
Công tác chuẩn bị để đón Ngày hội bánh chưng xanh tại nhà rông làng Kon Klor (Kon Tum). |
Cứ đến Tết cổ truyền dân tộc, người Ba Na sống ở vùng đất nắng gió Kon Tum ngồi lại bên nhau gói và nấu bánh chưng tham gia “Ngày hội bánh chưng xanh”.
Trong ngày hội, bà con tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, chơi bóng, múa hát, chơi cồng chiêng và uống rượu cần tại nhà rông của thôn làng.
Khi kết thúc buổi lễ, mỗi gia đình được phát bánh chưng và cơm lam (cơm được nấu trong ống nứa) để về ăn tết.
Theo phong tục, người dân tộc Ba Na không thắp nhang thờ cúng tại nhà riêng mà thay vào đó, họ đến nhà thờ để cầu nguyện.
Không giống như phong tục ở các dân tộc khác, người Ba Na không làm lễ đón Giao thừa, không thờ cúng ông bà tổ tiên. Tuy nhiên với các thần linh thì được thờ cúng rất chu đáo theo từng dịp lễ trong năm như Thần đất, Thần lúa…
Rượu cần và thịt xông khói là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Ba Na.
Thịt ở đây thường là thịt chuột, thịt trâu, thịt thú rừng... được họ mang về cắt theo từng miếng dài sau đó được phơi lên giàn bếp để xông khói. Khi có khách quý đến chơi thì được chủ nhà mang ra để tiếp đãi.
Theo Già làng A Pik (làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum): “Tết cổ truyền dân tộc thời chiến tranh thì không có, sau khi giải phóng bà con Ba Na mới tổ chức đón Tết Nguyên đán. Tết cũng có bánh chưng, cơm lam, rượu cần và thịt xông khói ngoài ra có tổ chức các trò chơi dân gian, múa xoan Tây Nguyên và đánh cồng chiêng tại nhà rông văn hóa”.