Kiểm soát tín dụng chảy vào bất động sản: Nên dùng lãi suất
Khuyến cáo này được nêu lên tại lễ công bố Báo cáo thường niên kinh tế 2016 do VERP tổ chức sáng 10/5 tại Hà Nội.
Dành một phần nhìn lại bối cảnh kinh tế, phát triển thị trường vốn, tiền tệ, tài sản... năm 2015, bản báo cáo đã đưa ra một vài điểm đáng chú ý. Một trong những hiện tượng được Viện trưởng VERP, TS. Nguyễn Đức Thành nêu lên, là dự trữ ngoại hối đã giảm mạnh trong năm 2015, đặc biệt quý 3/2015 giảm tới 6,7 tỷ USD. Tỷ lệ dự trữ ngoại hối tính trên tháng nhập khẩu giảm xuống còn 2,1 tháng (dưới mức khuyến nghị của các tổ chức quốc tế là 3-4 tháng).
Các chuyên gia khuyến cáo Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng gỡ bỏ trần lãi suất |
Bên cạnh đó, tín dụng cả năm 2015 tăng cao và ổn định hơn năm 2014, đạt 17,3%. Tuy nhiên, huy động vốn thấp tạo ra chênh lệch cung – cầu vốn là nhân tố đẩy mặt bằng lãi suất tăng cả trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động tại các NHTM.
Bình luận về mặt bằng lãi suất, TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VERP nhận xét, lãi suất điều hành vẫn giữ ổn định trong năm và hoạt động hút ròng qua kênh tín phiếu diễn ra khá thường xuyên.
Trên cơ sở phân tích các dữ liệu của nền kinh tế năm 2015, TS. Nguyễn Đức Thành đưa ra dự báo, lạm phát năm 2016 sẽ tăng trở lại, ở mức 4-4,5% do tác động từ giá dầu, giá dịch vụ hành chính công.... Tương ứng với mức lạm phát này là mức tăng trưởng GDP có thể đạt 6,05%. Ở kịch bản “rộng rãi” hơn TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, tăng trưởng GDP năm 2016 có thể đạt khoảng 6,38%, nhưng khó đạt được 6,5% như mục tiêu đề ra của Quốc hội.
Và để đạt được những con số ấn tượng này, chủ biên của báo cáo thường niên kinh tế 2016 đưa ra kiến nghị, cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng).
“Càng dỡ bỏ trần lãi suất huy động sớm ngày nào, thị trường vốn sẽ tự điều chỉnh và cân đối cung cầu về vốn sẽ linh hoạt hơn”- ông Thành nhấn mạnh.
Bổ sung thêm quan điểm, phải “bỏ gấp trần lãi suất”, TS. Phạm Văn Đại – thành viên nhóm chuyên gia nghiên cứu Báo cáo thường niên kinh tế 2016 tỏ ra lo lắng nhắc lại bài học nhãn tiền của hệ thống ngân hàng từ đại án Huyền Như.
“Đại án ngân hàng Huyền Như xuất phát từ việc chúng ta áp đặt và duy trì quá lâu trần lãi suất huy động khiến thị trường biến tướng, méo mó. Gần đây, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng trở lại, lãi suất thị trường 2 đã tiệm cận 5% một năm. Nếu cứ giữ trần lãi suất như vậy, sẽ còn có thêm nhiều đại án kiểu Huyền Như”- TS. Đại thẳng thắn.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, đồng thời với việc bỏ trần lãi suất, muốn giảm lãi đầu vào xuống thì bắt buộc các ngân hàng phải cơ cấu lại chi phí vận hành. “Nếu chi phí vận hàng khối ngân hàng vẫn cao, nợ xấu cao thì không thể mong đợi chi phí vốn cho doanh nghiệp giảm. Cũng không nên áp biện pháp hành chính trong thị trường cạnh tranh như lãi suất, tín dụng...” – chuyên gia Phạm Văn Đại nêu ý kiến.
Ngoài ra, cần kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian qua quá dài, dẫn tới việc hình thành bong bóng tài sản có tính chu kỳ.
Góp quan điểm về công cụ điều hành tín dụng bất động sản, ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nhấn mạnh, nên kiểm soát vốn chảy vào thị trường bất động sản bằng chính sách lãi suất, chứ không phải chính sách hành chính. “Không nên dùng mệnh lệnh hành chính để kiểm soát tín dụng chảy vào bất động sản” – Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright lưu ý.
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016 với chủ đề "Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng" được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước ngưỡng cửa thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và đang bước vào một chu kỳ hội nhập quốc tế mới. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang suy giảm năng suất liên tục trong 5 năm trước đó. Điều này cho thấy nhu cầu cấp bách phải thiết lập những nền tảng mới, thực sự hữu hiệu, cho tăng trưởng trong trung và dài hạn.