Kích thích kinh tế, doanh nghiệp phục hồi sau dịch: Cần 'đòn bẩy' đủ mạnh!
Chia sẻ tại tọa đàm “Động lực kích thích kinh tế tăng trưởng và doanh nghiệp phục hồi sau dịch”, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần có giải pháp đủ mạnh để cải thiện tăng trưởng.
Theo TS.Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, quan niệm về dịch hiện nay đã thay đổi khá nhiều nên cách chống dịch cũng cần phải thay đổi theo. Đó là điều kiện quan trọng cho sự phục hồi nền kinh tế và vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiện Chính phủ đang triển khai hàng loạt các giải pháp như hỗ trợ cứu doanh nghiệp về thuế, phí, giảm áp lực gánh nặng tài chính, giúp cứu trợ dân… nhưng lại có một số vấn đề đáng bàn. Đó là nền kinh tế thị trường phải gắn với lưu thông, vì thế mọi giải pháp đều phải giải tỏa cho lưu thông. Lưu thông hàng hóa và lưu thông vốn. Bên cạnh đó là lưu thông nguồn nhân lực, đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là câu chuyện xã hội.
Kích thích kinh tế tăng trưởng, doanh nghiệp phục hồi sau dịch: Cần 'liều vắc xin' đủ mạnh! |
Bên cạnh giải pháp nói trên, TS. Trần Đình Thiên đặc biệt nhấn mạnh về đầu tư công, đây giải pháp then chốt để giải quyết điểm nghẽn của nền kinh tế.
“Thời điểm này là thời điểm quyết liệt để các nhà hoạch định chính sách đưa ra những giải pháp mạnh hơn, nếu không nền kinh tế sẽ gặp nhiều gay go. Nếu chúng ta quyết liệt sớm hơn thì sẽ thêm cơ hội để vươn dậy cho nhanh”, ông Thiên nói.
Còn theo TS.Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, để hỗ trợ nền kinh tế Chính phủ các nước đều phát hành trái phiếu.
Ông Nghĩa cho rằng, nguồn hỗ trợ được các nước dùng bổ sung ngân sách để tài trợ thất nghiệp, tài trợ việc làm bằng phát tiền mặt; cho các doanh nghiệp lớn vay nhưng đây đều là các doanh nghiệp rất quan trọng trong nền kinh tế; bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn.
Nhìn vào các gói hỗ trợ trong nước, tổng chi phí mà Chính phủ và các tổ chức tín dụng (TCTD) cam kết bỏ ra ước tính khoảng 184,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 2,94% GDP năm 2020. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa hỗ trợ nhất định phải có "tiền tươi thóc thật".
"Chúng ta hạ lãi suất để làm gì khi doanh nghiệp không có đủ điều kiện vay vốn; không miễn giảm lãi, giãn nợ thì doanh nghiệp cũng không có tiền để trả,... hay như việc miễn giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế, doanh nghiệp có kinh doanh đâu mà có lãi để nộp thuế. Tất cả những động thái này đều tốt nhưng lại không thể kích thích được doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi. Điều doanh nghiệp cần lúc này là oxy để thở, họ cần tiền mặt thật", ông Nghĩa phân tích.
Từ kinh nghiệm của các quốc gia khác và thực tiễn của Việt Nam, TS.Lê Xuân Nghĩa đề nghị Việt Nam nên có 2 gói hỗ trợ.
Gói thứ nhất dùng để mua vắc xin và nâng cấp y tế. Nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho y tế, theo ông Nghĩa nên dùng dự trữ ngoại hối. Hiện dự trữ ngoại tệ của Việt Nam lên tới 107 tỷ USD, chúng ta có thể bỏ ra vài tỷ USD triển khai gói này.
Gói thứ 2 là gói hỗ trợ từ tài khóa, tức là Bộ Tài chính phát hành bán trái phiếu, nếu ngân hàng thương mại không mua hết thì NHNN mua hết, ít nhất khoảng 3 – 5 tỷ USD.
Gói hỗ này để tài trợ phục hồi lại thị trường lao động theo sổ lương của các công ty, để các công ty có cơ hội gọi nguồn lao động trở lại và người lao động có động lực làm tốt để phục hồi sản xuất.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý, việc "bơm tiền" hỗ trợ nền kinh tế có thể dẫn tới áp lực lạm phát. Hiện lạm phát đang thấp là do cầu yếu và vòng quay tiền chậm, đồng thời có thể làm tăng tỷ giá hối đoái...
Theo PGS-TS.Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính), năm nay tổng gói hỗ trợ của Chính phủ vào khoảng 3% GDP cả trực tiếp và gián tiếp. Nếu năm sau tiếp tục hỗ trợ một gói tương đương, nợ công của Việt Nam lên cao nhất chỉ 57,4% vào năm 2023 và giảm xuống, tức là chưa quá trần. Ông Cường cho rằng biện pháp dễ nhất là phát tiền mặt cho người dân. Tuy nhiên, việc phát tiền mặt sẽ phát sinh 2 vấn đề.
Thứ nhất, nếu phát theo nhóm thì chúng ta phải có số liệu thống kê về nhóm rất chuẩn, tức là phải biết được tình trạng kinh tế của các đối tượng để phát. Điều này Việt Nam đang yếu.
Hai là phát đồng đều. Theo lý thuyết kinh tế nếu có tiền thì sẽ tiêu. Đặc biệt, những người có thu nhập cao hơn thì tiêu nhiều hơn, thay vì tiết kiệm.
"Do đó, trợ cấp bằng tiền mặt rất nên làm, vì tạo ra tổng cầu nhanh cho nền kinh tế. Nhưng, chúng ta có vẻ vẫn đang ngập ngừng, đa số các gói cứu trợ hiện nay mới chỉ dành cho người yếu thế", ông Cường phân tích.
Hiền Anh
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.