Kịch bản nào xảy ra với tương lai báo chí trong vòng 10 năm tới?
René van Zanten, Tổng giám đốc của Quỹ Báo chí Hà Lan, người trình bày báo cáo tại Hội nghị các Tòa soạn Quốc tế gần đây, cho biết có hai xu hướng không dự đoán được trước sẽ ảnh hưởng lên tương lai của báo chí tới năm 2025.
Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là về việc chấp nhận công nghệ. “Mọi thứ sẽ diễn ra với tốc độ tương tự, hay sẽ có điều gì thay đổi? Liệu thế giới của chúng ta có bị các thiết bị tự động, cảm biến, in 3D, thực tế ảo... thống trị hay không? Liệu mọi người có cảm thấy mệt mỏi với sự xuất hiện của công nghệ mới hay không?”
Câu hỏi thứ hai là về niềm tin của công chúng. Mọi người có ghét việc đời tư của họ “nằm trong tay các công ty lớn” không, hay họ sẽ vui vẻ trao thêm nhiều thông tin cho những gã khổng lồ công nghệ như Facebook hay Google?
Các ý kiến đã được thu thập và giải thích trong báo cáo có tên"What's new(s)? Scenarios for the future of journalism” (Có gì mới? Những kịch bản cho tương lai báo chí). Báo cáo đưa ra 4 kịch bản khác nhau dựa trên những sự kết hợp khả thi giữa hai “sự không chắc chắn” kể trên.
Vậy tại sao các tòa soạn và các nhà báo lại phải tính đến các kịch bản này? Biết được những gì có thể định hình, cũng như hướng đi có thể của báo chí trong tương lai sẽ giúp các tổ chức dự đoán và chuẩn bị cho những thay đổi trong thời gian tới.
Đây vốn là một nghiên cứu dành riêng cho nền báo chí Hà Lan nhưng ông René van Zanten cho rằng nó ít nhiều cũng giống với tình hình ở các nước phát triển khác.
Quỹ Báo chí Hà Lan đã đưa lên website hai bộ công cụ chiến lược miễn phí cho ngành báo chí - một dành cho các công ty truyền thông và một cho các nhà báo tự do.
Dưới đây là giả định về bức tranh truyền thông năm 2025:
- Sự thông thái của đám đông:
Nền kinh tế và xã hội bị chi phối bởi những con người sáng tạo, các công ty start-up và những mối quan hệ hợp tác ảo: những sáng kiến mới mẻ xuất hiện và mất đi nhanh chóng. Trạng thái tâm lý muốn tự làm mọi việc: việc cùng sáng tạo, chia sẻ và việc tìm kiếm tài chính từ cộng đồng giúp tạo ra những đột phá lớn. Chính phủ chỉ còn nắm vai trò nhỏ.
Sự ảnh hưởng của những công ty như Google và Facebook bị giảm đáng kể mà lý do là người dùng ghét bỏ tình trạng vi phạm thông tin cá nhân và sức mạnh thị trường của những công ty này. Quyết định về tin tức không còn thuộc về các hãng truyền thông lớn mà là công chúng. Các nhà báo chí còn đóng vai trò người thu thập, tìm kiếm thông tin và quản lý cộng đồng.
- Một số quả táo nổi bật:
Một nhóm các siêu công ty sẽ ngày càng hùng mạnh và nắm giữ quyền quyết định không chỉ về các vấn đề kinh tế, xã hội mà cả chính trị. CEO của những tập đoàn như Alibaba, Apple, Google và Rosneft còn quyền lực hơn nhiều nguyên thủ quốc gia. Những công ty nhỏ hơn sẽ bị thôn tính hoặc phải thay đổi sang hướng đi khác.
Phần cứng, phầm mềm, các sản phẩm vật chất hoặc nội dung: Tất cả đều được gắn thương hiệu và chào bán thông qua các chuỗi tích hợp, và tin tức cũng vậy.
Tin tức được cá nhân hóa. Báo chí chất lượng cao có cơ hội lớn. Hầu hết các công ty truyền thông truyền thống không thể tồn tại. Một số ít các công ty nỗ lực hết sức để duy trì sự độc lập của họ nhưng hầu hết người dùng không đánh giá cao khi họ đã có thể có chính xác những gì họ muốn.
- Xứ Shire:
Quy mô nhỏ, tự lực và thận trọng là những yếu tố nổi bật trong xã hội. Chính phủ trung ương lui lại phía sau trong khi khu vực nơi mỗi người sinh sống là những điểm nhấn mới. Có xu hướng tiếp tục tìm kiếm những người có cùng quan điểm trong các cộng đồng khác nhau.
Tội phạm mạng và tình trạng xâm phạm đời tư: quan điểm chung là cần sử dụng công nghệ một cách rất thận trọng. Bức tranh truyền thông giống như một bán đảo gồm nhiều ấn phẩm nhỏ. Nhiều tờ báo và tạp chí phải ngừng hoạt động. Xuất hiện nhiều trang cộng đồng theo chủ đề nhất định mà các nhà báo công dân lẫn các chuyên gia thuộc các lĩnh vực có thể đóng góp nội dung. Tập trung chủ yếu vào nội dung địa phương.
- Trò chơi của Darwin:
Các cơ quan lớn giành lại sự tin tưởng của công chúng. Họ trở nên minh bạch hơn và dễ tiếp cận hơn, khuyến khích đối thoại. Báo chí phát triển theo hướng nhiều cơ quan báo chí truyền thống thành công nhờ làm cho thương hiệu của họ phù hợp hơn với hoàn cảnh mới, chấm dứt được tình trạng giảm sút về số lượng độc giả cũng như thuê bao. Những công ty khác sẽ bị tụt hậu. Các hình thức đăng tải tin tức trở nên đa dạng.
Các hãng tin truyền thống thay đổi cơ cấu mạnh mẽ thông qua việc hoạt động hiệu quả, hợp tác chặt chẽ và liên tục thử nghiệm những mô hình kinh doanh mới. Công chúng kỳ vọng báo chí sẽ một lần nữa chứng tỏ bản thân, tạo ra nhu cầu cao và không bị trói buộc vào những thương hiệu cụ thể.
Theo Mai Nguyễn/Vietnam+