Khủng long biển cổ đại bơi như chim cánh cụt
Các nhà khoa học vừa công bố nghiên cứu cho thấy, loài bò sát biển đã tuyệt chủng được gọi là Meyerasaurus, có hình dạng giống một con khủng long, với cái miệng đầy răng nhọn và thân hình bằng chiếc ôtô loại nhỏ, có kiểu bơi rất giống chim cánh cụt ngày nay.
Hình ảnh mô phỏng loài Xà đầu long. (Nguồn: USA Today) |
Meyerasaurus là một trong nhiều loài Xà đầu long (thằn lằn đầu rắn) - loài bò sát ăn thịt đã thống trị biển khơi ở kỷ Jura và kỷ Phấn trắng, trong khi những người anh em họ của chúng là loài khủng long làm bá chủ trên cạn.
Từ lâu, các nhà khoa học đã tranh luận về việc những con quái vật biển này đã bơi như thế nào và họ vừa phát hiện ra rằng, loài Meyerasaurus di chuyển chân chèo của nó như thể nó đang “bay” trong nước, giống cách bơi của rùa biển và chim cánh cụt ngày nay.
Qua việc nghiên cứu một hóa thạch Meyerasaurus hoàn chỉnh, được lưu giữ tại một bảo tàng ở Đức, các nhà nghiên cứu đã xây dựng một phiên bản kỹ thuật số của loài này và mô phỏng trên máy tính để tìm ra cách bơi hiệu quả nhất của con vật.
Các chuyên gia đã nhất trí rằng, các loài Xà đầu long bơi tiến lên nhờ tứ chi chuyển động tiến và lui, một chuyển động “lai” vừa giống cách “chèo thuyền”, vừa giống cách “vỗ cánh” trong nước. Nhưng trong quá trình mô phỏng hoạt động bơi của con vật trên máy tính, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, Meyerasaurus có thể bơi nhanh nhất nếu chuyển động cơ bản của nó là “vỗ cánh” lên và xuống với những cái chân lớn của nó.
Điều kỳ lạ là đôi chân phía sau của nó gần như không có tác dụng đẩy con vật tiến lên trong nước khiến các nhà khoa học nghi ngờ chúng có thể được sử dụng để lái hoặc dừng lại.
"Có lẽ, đôi chân phía sau di chuyển cùng với đôi chân phía trước để thỉnh thoảng tạo ra một sự bùng nổ về lực đẩy, như khi Meyerasaurus muốn phóng nhanh để bắt một con mồi" - nhà cổ sinh vật học Adam Smith Turk (Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Nottingham – Anh) đưa ra giả định.
Tuy nhiên, nhà cổ sinh vật học Kenneth Carpenter (Đại học Đông, bang Utah – Mỹ) tỏ ý nghi ngờ về việc con vật dùng cả 4 chi để chèo lái. Ông nói rằng, rùa biển bơi với cặp chân phía sau nhỏ gọn có hình dạng như mái chèo, trong khi Xà đầu long có đôi chân chèo phía sau rất dài sẽ làm tăng lực cản con vật nếu sử dụng chân sau để lái.
Phản bác lại quan điểm này, nhà cổ sinh vật học Adam Smith Turk cho rằng, đôi chân dài phía sau có lẽ sẽ rất hữu ích nếu con vật cần dừng lại đột ngột trong khi săn mồi, giống như chiếc phanh. “Các loài Xà đầu long đã tồn tại trong khoảng 135 triệu năm nên chúng đã thích nghi tốt với môi trường của mình. Những chân chèo trước và sau to lớn của chúng chắc chắn để phục vụ một mục đích nhất định” – ông khẳng định.
Theo Trung Hiếu/ TGVN