Khủng hoảng giá lợn hơi: Có vùng giá xuống thê thảm vẫn không bán được
Ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho biết, nhiều địa phương như xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, Hà Nam- một trong những “thủ phủ” về chăn nuôi lợn, hiện lợn toàn trọng lượng trên 1,2 tạ còn nhiều nhưng khó bán.
“Giá lợn Việt Nam hiện đang rẻ nhất thế giới”, ông Dũng nói.
Mặc dù công ty mua lợn hơi cao hơn giá thị trường vài giá để hỗ trợ bà con chăn nuôi, nhưng vẫn chỉ ở mức 23.000 đồng/kg.
Ông cho biết, hàng ngày đi xuống trại, bà con cứ hi vọng xuất khẩu được nên không chịu giảm đàn nái. Do vậy, phải chấp nhận “đau thương” để giảm đàn nái, dù bà con không muốn.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi tính toán, giá lợn hơi chỉ 25.000 đồng/kg, thậm chí 23.000 đồng/kg, trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi khoảng hơn 9.000 đồng/kg, 4 kg thức ăn mới được 1 kg thịt hơi, với giá bán như hiện nay thì người chăn nuôi lỗ nặng. Do đó, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi cần chia sẻ những khó khăn hiện tại với người chăn nuôi.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, giá lợn những năm qua rất tốt chính vì vậy người dân tăng đàn rất nhiều.
Bên cạnh đó các hộ nuôi cũng đẩy mạnh nuôi lợn có trọng lượng lớn 120kg/con, nên sản lượng thịt tăng nhiều, nguồn cung tăng cao hơn rất nhiều so với nhu cầu thị trường nên dẫn đến tình trạng dư thừa rất lớn, người dân không bán được, giá thịt lợn hơi tụt dốc không phanh, trong lúc bà con vẫn phải nuôi, chi phí cứ thế tăng lên.
Còn ông Phạm Văn Học, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã hình dung giá giảm trong 2017 vì tốc độ tăng đàn nhanh nhưng không nghĩ giảm sâu như thế này. Mặc dù Bộ, Cục đã có cảnh báo nhưng về đến địa phương, bà con vẫn mơ hồ, chỉ biết giá đang tốt thì tăng đàn.
Theo ông, tình hình giá lợn hơi còn xuống tiếp vì lượng tồn vẫn nhiều. Ông kiến nghị Bộ NN&PTNT trình Chính phủ ngừng nhập khẩu thịt lợn để giải quyết nguồn cung thịt heo đang thừa trong nước; tìm kiếm thị trường xuất khẩu lợn; sớm thành lập Hiệp hội Chăn nuôi lợn; đưa ra yêu cầu đối với việc mở trang trại.
Với tình hình chăn nuôi khó khăn như hiện nay, Dabaco cho biết, ngay từ tuần trước giảm giá thành thức ăn 5-7% cho người chăn nuôi, giá bán lợn giống cũng bắt đầu giảm. Cùng với đó, Dabaco tăng cường các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ người chăn nuôi để họ hiểu rõ vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Thời gian tới Dabaco tiếp tục nghiên cứu giảm giá đầu vào thức ăn, giống nếu tình hình sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục khó khăn.
Ông Học cũng cho biết trong năm nay Dabaco sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy chế biến thịt lợn. Khi nhà máy này đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ khá lớn thịt lợn trong dân để chế biến đa dạng các sản phẩm từ thịt lợn.
Về giải pháp ổn định chăn nuôi, hỗ trợ bà con, ông Vũ Anh Dũng cho biết công ty đã giảm giá bán thịt từ đầu tháng 4 cho trường học, bếp ăn công nghiệp. Ngày mai công bố giảm giá bán thịt trên toàn hệ thống.
Ông cho rằng tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam đang rất thấp, hiện nay người dân đang sợ thịt bẩn nên không dám ăn thịt. Do đó, cần tuyên truyền cho thị trường trong nước, để người dân hiểu, thay đổi thói quen sử dụng thịt cấp đông thay cho thịt nóng.
Đồng thời ông kiến nghị, dứt khoát mở trang trại chăn nuôi phải là ngành kinh doanh có điều kiện, không thể cứ thích là mở.