"Không trốn chạy" mưa, lũ, lụt...
Biến đổi khí hậu đang diễn ra ở quy mô toàn cầu với những diễn biến phức tạp mà dễ thấy nhất là nước biển dâng. (Ảnh minh họa) |
Sáng nay 27/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Nâng cao vai trò, nhận thức của các tổ chức chính trị - xã hội về biến đổi khí hậu và nước biển dâng” do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức. Ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch VUSTA và ông Nguyễn Văn Cư, Chủ tịch Hội KHKT Biển Việt Nam chủ trì Hội thảo. Tới tham dự Hội thảo có đông đảo các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu về khí hậu và môi trường.
Ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch VUSTA (bên phải) và ông Nguyễn Văn Cư, Chủ tịch Hội KHKT Biển Việt Nam chủ trì Hội thảo“Nâng cao vai trò, nhận thức của các tổ chức chính trị - xã hội về biến đổi khí hậu và nước biển dâng”. |
Năm 2014 được Liên hợp quốc chọn là năm Quốc tế về các tiểu quốc đảo đang phát triển. Chủ đề ngày Môi trường thế giới 5/6/2014 là “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng”.
Khẩu hiệu của Ngày Môi trường Thế giới 2014 là “Raise your voice, not the sea level” (tạm dịch là “Hãy nâng cao tiếng nói của mình, đừng nâng cao mực nước biển) do Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP) đưa ra.
Hội thảo là một hoạt động thiết thực hướng tới Ngày Môi trường Thế giới 5/6, đồng thời nhằm nâng cao vai trò, nhận thức của các tổ chức chính trị - xã hội về biến đổi khí hậu và nước biển dâng và tìm ra những giải pháp hữu hiệu giúp Việt Nam chủ động hơn trước tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng phức tạp.
Tại Hội thảo, các tham luận của GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ (Trung tâm Khoa học, Công nghệ Khí tượng, Thủy văn và Môi trường), TS. Nguyễn Hữu Tưởng (Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển Bền vững), bà Nguyễn Ngọc Lý (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng), TS. Đào Trọng Tứ (Trung tâm Phát triển Bền vững Tài nguyên Nước và Thích nghi Biến đổi Khí hậu), TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh (Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững) đã cung cấp cái nhìn sâu rộng về thực trạng BĐKH và các giải pháp ứng phó tại Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ trình bày tham luận "Những thách thức đối với Việt Nam và vai trò, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng địa phương trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu". |
Liên quan đến các giải pháp cụ thể ứng phó với BĐKH, quan điểm “không chạy trốn”, “biến họa thành phúc”, “biến thách thức thành cơ hội” của TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh như một luồng tư duy mới khiến các đại biểu tham dự Hội thảo nhất loạt đồng tình.
Theo bà Hạnh, tư duy thông thường (tư duy cũ) thường coi các yếu tố thiên nhiên như: mưa, bão, lụt là các yếu tố tự nhiên bất lợi. Nhưng nếu nhìn các yếu tố trên từ một góc nhìn khác, với tư duy mới ta sẽ thấy có thể khai thác rất nhiều các giá trị tiềm ẩn có được từ trong các yếu tố thiên nhiên khắc nghiệt đó để phát triển thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và độc đáo.
TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh với tham luận "Khai thác mưa, bão, lụt miền Trung thành sản phẩm du lịch" |
Nói và làm song hành, bà Hạnh đã giới thiệu về dự án “Phát triển sản phẩm du lịch thích ứng với mưa, bão, lụt miền Trung” với sự tận dụng mưa Huế, lụt Hội An, bão Đà Nẵng để tạo ra những sản phẩm du lịch thích ứng với diễn biến thời tiết.
Trong phần tham gia ý kiến của các đại biểu, nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH và nước biển dâng được đưa ra một cách thực tiễn và thú vị như: xây dựng nhà máy năng lượng mặt trời để tận dụng 300/365 ngày nắng của Việt Nam; dự án than sạch; xây dựng cối xay gió; khai thác năng lượng thủy triều; trồng vườn cây xanh trên mái các công trình xây dựng…
Kết thúc Hội thảo, ông Trần Việt Hùng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của đại biểu nhằm nâng cao vai trò, nhận thức của các tổ chức chính trị - xã hội về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Ông Hùng hứa sẽ ghi nhận và chuyển những ý kiến này tới cơ quan chức năng Nhà nước để xử lý, đưa vào thực tế cuộc sống.