Không muốn thị trường "ngủ đông", DN bất động sản phải giảm giá, tăng chiết khấu
Rao bán tăng, giá cũng tăng
Con số thống kê về thị trường bất động sản Việt Nam 2 tháng đầu năm qua từ batdongsan.com.vn cho thấy, đại dịch covid-19 đã có những tác động tới thị trường. Cụ thể, khi lượng tin đăng toàn trang tăng hơn 30% nhưng mức độ quan tâm đến các sản phẩm lại giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, mức độ quan tâm cũng không sụt giảm tại tất cả các địa bàn trên cả nước mà vẫn tăng tại các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Theo dữ liệu của batdongsan.com.vn cho thấy, giá phân khúc chung cư tại Hà Nội và TP.HCM vẫn được rao bán tăng bất chấp những tác động từ dịch bệnh. |
Còn tại các khu vực miền Trung chứng kiến sự sụt giảm, đặc biệt là tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Ngoài ra, các tỉnh phía Nam cũng chứng kiến sự sụt giảm mức độ quan tâm trong việc tìm kiếm bất động sản như ở TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương...
Điểm đáng lưu ý, giá phân khúc chung cư tại Hà Nội và TP.HCM vẫn được rao bán tăng bất chấp những tác động từ dịch bệnh.
Theo đó, giá bán chung cư tại Hà Nội 2 tháng đầu năm 2020 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giá bình quân là 30,3 triệu đồng/m2.
Tại TP.HCM, giá rao bán bình quân là 44,1 triệu đồng/m2, giá rao bán trung bình tăng 10,9% so với cùng kỳ.
Mặc dù cho rằng dịch covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bất động sản, khiến nhiều lễ ra mắt, mở bán dự án bị giảm quy mô hoặc lùi thời điểm, nhiều sàn bất động sản giải thể hoặc hoạt động cầm chừng, tuy nhiên thị trường bất động sản đầu năm cũng đã đón nhận nhiều văn bản tích cực thúc đẩy thị trường.
Đơn cư như văn bản hướng dẫn cấp sổ đỏ cho biệt thự du lịch, căn hộ du lịch; thông tư cho phép xây dựng căn hộ 25m2; nghị định rút ngắn thời gian bàn giao đất cho chủ đầu tư trúng thầu...
Nên giảm giá nhà, tăng chiết khấu
Trước những tác động của dịch bệnh tới thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, doanh nghiệp cũng nên thực hiện các phương thức hỗ trợ đối tác thuê nhà, thuê mặt bằng, như giảm giá cho thuê, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian.
Cùng với đó, ông Châu khuyên doanh nghiệp cần “xem xét giảm giá bán nhà, tăng chiết khấu; tái cấu trúc lại doanh nghiệp, coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà xã hội, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng”.
Ngoài ra, HoREA cũng dẫn khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế để doanh nghiệp bất động sản tham khảo cách ứng phó với dịch bệnh như: Chăm lo nhân viên; Xây dựng hệ thống quản trị (dựa trên cơ sở dữ liệu, tránh dựa trên cảm xúc) trên 3 cấp độ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; Vận hành các đánh giá rủi ro; Tăng cường truyền thông ra bên ngoài; Đánh giá chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản và cuối cùng là sử dụng thời gian chết hiệu quả.
Hiệp hội cho biết cũng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vượt qua đại dịch và chuẩn bị phục hồi hoạt động trở lại sau đại dịch như gia hạn thuế, không xử phạt các doanh nghiệp và các cá nhân nộp chậm quyết toán thuế; mở rộng diện được miễn giảm thuế để hỗ trợ các hộ gia đình đang chịu tác động nặng nề của đại dịch, xem xét giảm lãi vay và không chuyển nhóm nợ (xấu hơn) đối với các khoản nợ đến hạn của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản...