Không chỉ mang ý nghĩa sung túc cả năm, quả sung còn tốt cho sức khoẻ
Trong mâm ngũ quả ngày Tết bao giờ cũng có thêm một chùm quả sung. Theo quan niệm dân gian, sung là loại cây (quả) cảnh mang ý nghĩa văn hóa tâm linh, tượng trưng cho sự sung mãn, tròn đầy.
Mấy năm gần đây Tết năm nào chị Phượng – Hà Đông, Hà Nội cũng cố tìm mua cho gia đình 1 chùm sung về thờ vào mâm ngũ quả. Tết năm nay, chị Phượng cho biết mình phải mua 70 nghìn đồng 1 chùm sung. Vì thiếu chùm sung thì mâm ngũ quả sẽ mất đẹp và quan niệm sung là sung túc nên dù đắt chị vẫn mua 2 chùm.
Không chỉ riêng chị Phượng, chị Ngô Thị Mai – Chương Mỹ, Hà Nội khoe gia đình chị có cây sung và 5, 6 năm nay đều dành để bán dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay vào gần cuối năm thì sung lại không được đậu nhiều như mọi năm nên bán không được nhiều. Tết năm 2021, cây sung tẻ của nhà chị cho chùm to, quả đẹp bán được hơn 3 triệu đồng. Bình thường, 1 cân sung bán 15 nghìn đồng/kg. Nhưng ngày Tết chùm sung đẹp có thể bán cả tiền trăm.
BSCK II Huỳnh Tấn Vũ – Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 3, TP.HCM cho biết cây sung được hiểu theo nghĩa là “sung túc”, do đó được cho là hợp phong thuỷ mùa tết, trái thì được bày trên mâm ngũ quả, cây sung với quả chùm để làm cảnh được nhiều người ưa thích.
Quả sung có ý nghĩa sung túc, chữa bệnh. |
Tên khoa học: Ficus glomerata Roxb. Họ: Moraccae (Dâu tằm). Hầu như tất cả các bộ phận của cây sung đều được sử dụng, như lá, quả, nhựa và vỏ sung. Trong nhựa sung chứa các thành phần như bergenin, lupeol acetat và β – sitosterol.
Cây sung còn là một vị thuốc dùng trong phạm vi nhân dân. Lá sung non dùng để ăn, thường để gói nem. Quả sung cũng dùng để ăn.
Theo TS Phạm Việt Hoàng – Nguyên Phó Giám đốc BV Tuệ Tĩnh, Học viện Y học cổ truyền Trung ương, trong đông y quả sung ngọt có vị ngọt, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, trừ ho, cầm máu, trừ lỵ và nhuận phế. Quả khi chín ngọt, phơi khô có vị ngọt như chà là.
TS Hoàng cho biết trên thế giới nhiều quốc gia dùng quả sung chữa bệnh. Ví dụ như tại Ấn Độ người ta dùng quả sung ngọt để giải khát và bổ dưỡng. Người Trung Quốc dùng làm thuốc chữa táo bón, viêm ruột, hầu họng sưng đau, bổ dạ dày, giải độc. Sung ngọt còn dùng chế biến thành mứt ăn bổ huyết.
Theo y học hiện đại, trong 100g quả sung có chứa các chất sau: Protein 1g, chất béo 0,4g, đường 12,6g, Ca 49mg, P 23mg, Fe 0,4mg, caroten 0,05mg, vitamin B1 0,04mg, B2 0,03mg, PP 0,3mg và C 1mg.
Trong 100g lá sung tươi có các thành phần sau: nước 75,0g, protein 3,4g, lipid 1,4g, cellulose 4,8g, dẫn xuất không protein 12,3g, khoáng toàn phần 3,1g.
Người dân có thói quen sử dụng quả sung muối ăn như cà muối, luộc ăn với nước chấm hoặc kho. Lá sung non có thể ăn sống như rau, lộc sung dùng gói nem. Quả còn xanh dùng cầm tiêu chảy. Quả sung và lá non ăn giúp lợi sữa cho sản phụ.
Đặc biệt, nhựa sung là một vị thuốc rất quý để chữa bệnh nhức đầu và một số bệnh ngoài da (chốc, nhọt, sưng đau, tụ máu). Rễ sung dược dùng chữa lỵ, nhựa rễ cây dùng chữa tiêu khát hay còn gọi là bệnh đái tháo đường ngày nay.
BS Huỳnh Tấn Vũ cũng giới thiệu thêm một số bài thuốc từ quả sung.
Dùng sung để trị mụn nhọt, sưng đau: lấy nhựa sung tươi, bôi trực tiếp vào mụn nhọt mới lên hoặc nơi chốc lở, sưng đau, ngày bôi 2 – 3 lần; hoặc dùng lá sung non, giã nát với nhựa sung rồi đắp vào mụn nhọt sưng, đỏ, nóng, đau, ngày vài lần. Lá sung chữa mất sữa: lá sung bánh tẻ, lá mít bánh tẻ, lá mơ tam thể, mỗi thứ 30g, sắc uống, ngày một thang, chia hai lần uống, trước bữa ăn.
Quả sung trị chốc lở đầu ở trẻ em: quả sung chín, giã nát, đắp vào nơi bị bệnh, để khoảng 1,5 - 2 giờ bỏ ra. Dùng nước sắc bạc hà rửa sạch mụn lở. Tiếp theo dùng hạt nhãn đốt cháy, tán bột mịn, rắc đều vào nơi lở loét. Ngày làm một lần.Hoặc dùng vỏ tươi cây sung, sài đất tươi mỗi thứ 50g, lá trầu không 30g, bồ kết 20g sắc nước gội. Ngày một lần.
Trong sách Bách gia trân tàng, Hải Thượng Lãn Ông dùng lá sung tật nấu nước cho uống và xông rửa mặt chữa trên mặt bị nổi từng cục u nhỏ sưng đỏ.
K.Chi