Khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Khi bài toán về vốn được giải quyết hiệu quả, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ có thêm động lực phục hồi và mở rộng sản xuất, từ đó khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế hiện nay.
Nhu cầu cấp thiết
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 870 ngàn doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp SME chiếm hơn 98%.
Doanh nghiệp SME sử dụng 70% lực lượng lao động, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách, nhưng đến nay theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ của nhóm này chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng dư nợ của toàn ngành kinh tế. Báo cáo “Cập nhật đánh giá quốc gia 2021” của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy các doanh nghiệp SME Việt Nam gặp khó khăn trong tiếp cận tài chính thuộc nhóm cao nhất trong khu vực.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột chính trị tại Châu Âu, trên 90% doanh nghiệp SME đang bị ảnh hưởng với nhiều mức độ khác nhau, rất cần sự hỗ trợ, cả về chính sách và nguồn vốn. Tuy nhiên, do các yếu tố biến động và rủi ro gia tăng đang khiến các ngân hàng ngày càng thận trọng hơn trong việc xét duyệt cho vay đối với các doanh nghiệp SME .
Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp SME trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị có nhiều biến động, rất cần thêm các chính sách về cơ chế mang tính đặc thù, chính sách tài chính, tài khóa, nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đẩy mạnh triển khai phát triển kinh tế số... Và một trong các giải pháp huy động vốn đang được quan tâm hiện nay là nền tảng P2P Lending.
Giải pháp huy động vốn linh hoạt
Trong xu hướng phát triển của công nghệ tài chính (Fintech), P2P Lending được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng giúp mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính đối với người dân và doanh nghiệp thông qua nền tảng công nghệ hiện đại.
Hiện nay, số lượng các công ty hoạt động trong lĩnh vực P2P Lending đã gia tăng nhanh chóng. Trong đó VNVON được xem là một trong những đơn vị tiên phong triển khai giải pháp hỗ trợ vốn hiệu quả cho doanh nghiệp SME và nhà đầu tư trên toàn quốc.
Với cơ chế tài trợ vốn linh hoạt kết nối trực tiếp doanh nghiệp với cộng đồng nhà đầu tư thông qua nền tảng công nghệ hiện đại, VNVON mang đến giải pháp huy động vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp SME. Thay vì được thẩm định dựa trên tài sản thế chấp, một số doanh nghiệp hiện nay có thể được thẩm định khoản vay dựa trên kết quả kinh doanh mà không yêu cầu tài sản thế chấp, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận vốn vay, không bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh tiềm năng. Các khoản vay được VNVON quy định về lãi suất, kỳ hạn... công khai, rõ ràng, giúp các doanh nghiệp có căn cứ lên kế hoạch huy động và trả nợ vốn.
Theo đại diện VNVON, lãi suất huy động vốn đang áp dụng tại sàn không quá 16%/năm ; số tiền huy động vốn lên tới 1 tỷ đồng; không yêu cầu thế chấp tài sản và thời gian giải ngân trung bình từ 2-3 ngày.
“Chúng tôi đặt ra các quy định rõ ràng về số tiền, kỳ hạn, mức lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp có thể linh hoạt lựa chọn khoản vay, phù hợp từng nhu cầu, đảm bảo nguồn tiền lưu động luôn ổn định”, đại diện VNVON cho hay.
Ông Chu Tiến Vượng – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối tài chính Việt Nam (VNVON). |
Từng trải nghiệm huy động vốn tại P2P Lending, bà Đỗ Thị M. – chủ một doanh nghiệp xây dựng nhỏ tại Hà Nội nhận xét: “Ưu điểm của doanh nghiệp huy động vốn trên kênh P2P Lending là hoàn toàn chủ động kế hoạch vay – trả cho các khoản vay của mình. Trong khi nếu doanh nghiệp vay người thân, bạn bè lại có thể bị đòi bất cứ lúc nào, và rất dễ rơi vào tình thế bị động, khó có thể trả đúng hẹn”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính – ngân hàng, |
Đánh giá khá tích cực về P2P Lending, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho biết nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp SME là rất lớn, trong khi một số doanh nghiệp khó có thể vay vốn từ ngân hàng, và không phải đối tượng nào cũng có thể vay được vốn từ ngân hàng. Do đó, sự xuất hiện của P2P Lending trở thành sân chơi bổ sung tốt cho hệ thống ngân hàng và thị trường tín dụng Việt Nam đã bị quá tải.
TS. Hiếu cũng lưu ý, về lâu dài, Chính phủ cần cải tổ, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tài chính, khung pháp lý cho Fintech trong đó có P2P Lending, giúp doanh nghiệp huy động vốn nhanh chóng, an toàn và giảm thiểu các rủi ro từ nạn tín dụng đen đang hoành hành hiện nay.
Với một khung pháp lý hoàn chỉnh dự kiến được ban hành trong thời gian tới, cùng cơ chế huy động vốn linh hoạt và ứng dụng công nghệ hiện đại, những doanh nghiệp như VNVON nói riêng và doanh nghiệp P2P Lending nói chung được kỳ vọng sẽ góp phần khơi thông dòng vốn cho kinh doanh, giúp đa dạng thị trường tài chính và nâng cao năng lực nền kinh tế.
Phạm Trang