Trao quyền tự chủ hoàn toàn cho 4 "siêu bệnh viện" để xóa bỏ tình trạng "oẳn tà roằn”
Bệnh viện Bạch Mai – 1 trong 4 bệnh viện thí điểm tự chủ |
Các chuyên gia đều cho rằng việc tự chủ hoàn toàn ở siêu 4 bệnh viện này gây ra nhiều hệ lụy. Infonet xin giới thiệu một ý kiến rất đáng chú ý qua phỏng vấn với BS.TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật Việt Nam.
PV: Xin chào Tiến sĩ Trần Tuấn, nhiều học giả cho rằng tự chủ 4 siêu bệnh viện chẳng khác nào "bày cỗ sẵn chỉ việc ăn". Quan điểm của ông như thế nào về việc tự chủ hoàn toàn ở bốn bệnh viện đầu ngành?
TS Trần Tuấn: Chủ trương tự chủ tài chính cho các bệnh viện công không phải bây giờ mới ra mà nó đã manh nha từ thời “phòng khám ba lợi ích” xuất hiện đầu những năm 90; trở nên “rõ ràng hơn” khi chính phủ ra Nghị định 43 năm 2006 – trao quyền tự chủ cho các cơ sở công lập có thu. Suốt hơn chục năm qua, dù vẫn “hưởng” sự đầu tư rót từ nguồn nhà nước (quyền lực, vật chất, con người, tài chính, cả hỗ trợ quốc tế), vẫn luôn tự nhận và mang danh y tế nhà nước trong con mắt người dân trong nước và quốc tế, nhưng các bệnh viện công lập đã dần hình thành cơ chế vận hành tài chính với nguồn thu tạo riêng, đi kèm phân chia lợi ích cho lãnh đạo và nhân viên bệnh viện hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của hệ thống giám sát tài chính công! Như thế, bệnh viên công thực chất đã trở thành cơ sở chăm sóc y tế “chả phải công, chả phải tư”, mà là thứ… “oẳn tà roằn”- Công tư lẫn lộn”! .
“THÍ ĐIỂM TỰ CHỦ HOÀN TOÀN PHẢI CHO MỤC TIÊU CHUYỂN ĐỔI THÀNH CƠ SỎ Y TẾ NHÂN ĐẠO, PHI LỢI NHUẬN, NGOÀI NHÀ NƯỚC! KHÔNG PHẢI ĐỂ “TƯ NHÂN HÓA BỆNH VIỆN CÔNG”! |
Giờ đây, có thêm nghị quyết 33 của Chính Phủ cho “tự chủ hoàn toàn”, thí điểm tại bốn bệnh viện công hàng đầu, thì cũng không nên ngạc nhiên. Bởi đã “tự chủ một phần” thì nếu tiếp theo đưa ra “tự chủ hoàn toàn” cũng là dễ hiểu! Cách đây chục năm đã nhìn thấy trước rồi sẽ đến ngày phải xóa bỏ trạng thái “ oẳn tà roằn” này! Chịu khó theo dõi chính sách cùng hành động thực tế của lãnh đạo Bộ Y Tế, đi kèm quan sát thực tế khám chữa bệnh của người dân tại các bệnh viện công sẽ thấy rõ đòi hỏi đó!
BS.TS. Trần Tuấn, giám đốc trung tâm nghiên cứu và đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật Việt Nam. |
“Xóa bỏ trạng thái oẳn tà roằn” với bệnh viện công là điều không thể nào không làm! Nhưng làm bằng cách “trao quyền tự chủ hoàn toàn” để dẫn các bệnh viện này đến đâu? - Trở lại 100% công? Triệt để nốt con đường “tư nhân hóa” thành 100% tư? Hay thành mô hình mới khác? - mới là điều đáng bàn!
Vì thế, cái tôi quan tâm, là những người có trách nhiệm làm chính sách y tế ở đất nước này đã suy nghĩ thấu đáo đến đâu, hiểu thế nào về “trao quyền tự chủ hoàn toàn” để xóa bỏ tình trạng ‘oẳn tà roằn” và hình dung cụ thể đến mức nào về đích đến của 4 bệnh viện này trong những năm tới?
Trả lời các câu hỏi trên, tôi gợi ý những người ra chủ trương thí điểm tự chủ hoàn toàn 4 bệnh viên công, hãy bắt đầu tự vấn lòng mình với câu hỏi: Người dân và đất nước nói chung, “được gì, mất gì” từ chủ trương này?
Nếu “tự chủ hoàn toàn” để đẩy các bệnh viện này trở thành các “doanh nghiệp” bệnh viện tư nhân, bất kể còn hay không mang tên “Bạch Mai, Việt Đức Chợ Rẫy, Bệnh viện K trung ương”, thì tôi đánh giá là một “sai lầm chiến lược” tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân ở đất nước này! Tôi cực lực phản đối!
Bởi như thế là khó tránh khỏi rơi vào tình trạng “xẻ thịt” chia chác nguồn lực công! Nhà nước rơi vào nguy cơ mất quyền kiểm soát chất lượng và giá cả chi phí y tế cho mục tiêu công bằng xã hội! Dân “mất” cái cao quý nhất: Niềm tin “nhân đạo” vào hệ thống y tế đương đại! Cả Dân và Nhà Nước cùng chuốc thêm vào “nguy cơ gia tăng” tiếp tục bị “xẻ thịt” trực tiếp hơn nữa, nặng nề hơn nữa trong tương lai, khi có nhu cầu cần đến “nguồn lực chuyên môn cao” của các bệnh viện này! Hậu quả từ sự “độc quyền” của đỉnh cao quyền lực được “nhà nước giao phó”!
PV: Có nghĩa là, ông phản đối chủ trương“Tự chủ hoàn toàn” để đưa các bệnh viện này trở thành bệnh viện tư. Vậy “Tự chủ hoàn toàn” thế nào thì ông chấp nhận?
TS. Trần Tuấn: Với lâp luận “tăng quyền tự chủ” cho bệnh viện công để giải quyết những tồn tại đang diễn ra ở các bệnh viện như tình trạng “quá tải” tình trạng “chảy máu chất xám”, hay để “nâng cao chất lượng phục vụ, phát huy tiềm nặng đội ngũ cán bộ, thực hiện chủ trương xã hội hóa”.. mà đích đến lại là “biến nguồn lực công thành nguồn lực tư”, thì quả là… chả hiểu gì, nếu không nói, là có “toan tính lợi ích cá nhân” trong thúc đẩy ra đời chính sách “trao quyền tự chủ hoàn toàn” cho các bệnh viện công này!
Nhớ rằng, một thị trường chăm sóc y tế mà tư nhân đóng vai trò then chốt, sẽ không bao giờ là một nền y tế hiệu quả! Điều này đã được minh chứng ở các nước có nền lập pháp, tư pháp và hành pháp hàng đầu trên thế giới này. Bởi y tế tư nhân luôn tiềm ẩn nguy cơ làm nặng nề hơn tình trạng mất công bằng trong chăm sóc y tế, tăng nguy cơ lạm dụng can thiệp y tế, nặng về chạy theo kỹ thuật mới, thuốc mới, trang thiết bị y tế mới, kéo theo tăng chi phí y tế cho toàn xã hội, đẩy lệch hệ thống y tế nghiêng nặng về điều trị, nhẹ về dự phòng, nên theo thời gian sẽ gây tăng nguy cơ đe dọa mục tiêu ổn định xã hội và phát triển bền vững!
Cái mà thế giới tiến bộ đang hướng đến, là một thị trường chăm sóc y tế đa thành phần mà ở đó, vai trò trụ cột phải thuộc về y tế công và nhân đạo phi lợi nhuận!Chăm sóc y tế trước hết và trên hết phải xuất phát từ động cơ nhân đạo, phải được lãnh đạo và điều hành bởi các cá nhân, tổ chức có tâm nguyện vì Dân, không phải vì tiền! Vì thế, khi có cơ hội chuyển đổi thứ “oằn tà roằn” đang tồn tại trong hệ thống y tế công, thì phù hợp nhất, là chuyển đổi sang hướng “tạo ra các bệnh viện ngoài nhà nước, nhân đạo, phi lợi nhuận”! Nguồn lực đất nước được bảo tồn không mất vào tay tư nhân! Đất nước thêm ổn định bởi thị trường chăm sóc y tế có được đủ 3 chủ thể “công, tư, ngoài nhà nước nhân đạo phi lợi nhuận”.
Như thế, chính sách, thí điểm trao quyền tự chủ hoàn toàn cho 4 bệnh viện công hàng đầu Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, K Trung Ương, phải nhất thiết đi kèm với chính sách tạo lập và chuyển đổi hoàn toàn tình trạng bệnh viện “oẳn tà roằn công tư lẫn lộn” hiện tại sang hoặc là 100% ngoài nhà nước tự chủ hoàn toàn theo cơ chế cơ sở nhân đạo phi lợi nhuận, hoặc là 100% công hoàn toàn, với 100% ngân sách nhà nước cấp! Chấm dứt hoàn toàn thứ “oằn tà roằn công tư lẫn lộn”!
“Trao quyền tự chủ cho bệnh viện công” phải được hiểu và thiết kế làm thí điểm theo nghĩa đó!
Vâng xin cảm ơn ông!