Thụ tinh trong ống nghiệm – biến những điều không thể thành có thể
Vợ chồng anh Năm và cậu con trai hơn 3 tháng tuổi |
Hai vợ chồng liệt vẫn có con
Trường hợp của anh Lê Văn Năm sinh năm 1984 trú tại Nông Cống, Thanh Hoá, là một trong hàng trăm ông bố may mắn từ chỗ tuyệt vọng tưởng không sinh được con anh đã có cậu con trai khôi ngô, đáng yêu.
Anh Năm khác với những người đàn ông khác khi anh bị liệt do tai nạn từ năm lớp 11. Anh Năm kể mùa hè khi vừa thi hết học kỳ lớp 11, anh trèo cây và bị ngã. Cú ngã đã khiến anh bị liệt tuỷ sống và từ đó đến nay chiếc xe lăn là giúp anh đi lại vận động.
Đến năm 2011, khi ra Hà Nội tham gia một trường học dành cho người tàn tật về công nghệ thông tin, anh Năm đã gặp chị Trương Thị Hà sinh năm 1978 cùng quê với anh cũng bị tàn tật từ nhỏ.
Tình yêu nảy nở từ sự đồng cảm, chia sẻ. Anh Năm kết duyên cùng chị Hà. Lúc đầu, mọi người cũng e ngại bởi vì bản thân anh đã ngồi xe lăn, giờ lấy vợ cũng ngồi xe lăn thì đi lại làm sao, gánh nặng gia đình sẽ càng nặng thêm nhưng anh Năm kiên quyết sẽ cưới chị Hà làm vợ.
Hai gia đình cách nhau 20km, đám cưới được tổ chức vào cuối năm 2012 trong lời chúc mừng của nhiều người cũng không ít lời lo lắng cho tương lai đôi vợ chồng trẻ.
Anh Năm tâm sự cưới nhau về ở với nhau anh chị rất hạnh phúc nhưng cả hai luôn luôn mong muốn có sợi dây tình cảm vợ chồng là đứa con nhưng niềm vui chẳng thấy.
Anh và vợ ra bệnh viện kiểm tra, bác sĩ cho biết anh bị tinh trùng bất động, xác tinh trùng chết rất nhiều. Chị Hà vợ anh bình thường. Cứ nghĩ đến tinh trùng bất động, tinh trùng chết quá nhiều vợ chồng anh Năm nghĩ chẳng còn cơ hội mang thai. Niềm vui đến khi anh chị gặp bác sĩ Lê Thị Hiền và được chị Hiền khám, tư vấn kê đơn thuốc về nhà uống. Khi hết thuốc, tinh trùng của anh Năm đã tốt lên. Bác sĩ làm thụ tinh trong ống nghiệm, lúc này được 7 phôi truyền 5 phôi nhưng bị hỏng không được. Nhưng niềm hi vọng của hai vợ chồng này không tắt và anh chị quyết thực hiện lần thứ hai.
Đến lần thứ 2, vợ chồng anh Năm được 10 phôi trong đó có 7 phôi loại A. Bác sĩ đặt 4 phôi và niềm hi vọng được đền đáp khi bác sĩ thông báo vợ anh có thai.
Tuy nhiên, khi có thai gánh nặng lo lắng cũng không giảm bởi chị Hà bị liệt nhiều năm, thai bám cổ tử cung thấp nên doạ sảy thai liên tục. Chị Hà phải nằm viện và treo chân suốt 36 tuần chỉ nằm trên giường không làm gì. Mọi sinh hoạt vợ chồng anh chị phải thuê người chăm sóc và đến tuần 36 chị Hà sinh được bé trai kháu khỉnh.
Khi chào đời, cháu rất đáng yêu nhưng bé lại bị dị tật bẩm sinh không có hậu môn nên khó khăn của vợ chồng anh Năm lại tăng lên gấp bội. Anh chị lại thuê người chăm sóc con vì bố mẹ yêu con cũng chỉ ôm con, bế con chứ không thay tã, tắm giặt cho con được nhất là bé đang phải đi vệ sinh bằng hậu môn nhân tạo.
Sinh con, chị Hà không có sữa nên cháu được nuôi bằng sữa ngoài hoàn toàn. Vợ chồng anh Năm chắt chiu, dè xẻn và được sự hỗ trợ của ông bà hai bên nên cuộc sống khốn khó trăm bề cũng đỡ phần nào.
Niềm vui tuổi già
Vợ chồng cô Nguyễn Thị Nguyệt và Nguyễn Thanh Toàn, cùng 61 tuổi, Lạng Giang, Bắc Giang không giấu nổi hạnh phúc khi ở tuổi ông bà ngoại họ lại có thêm đứa con trai.
Cô Nguyệt cho biết, cô từng làm giáo viên tiểu học, chồng là bộ đội nghỉ mất sức. Gia đình từng có 2 cô con gái, dù muốn thêm con nhưng hoàn cảnh công tác không cho.
Năm 2010, cô con gái lớn lấy chồng quê Thanh Hoá. Đến năm 2011, gia đình nhận được tin sét đánh, cô con gái út giỏi giang sau chuyến công tác Thái Lan phát hiện bị ung thư máu giai đoạn cuối và qua đời gần 1 năm sau đó.
Thương nhớ con, sau khi về hưu, cô Nguyệt bàn với chồng sẽ xuống Hà Nội thụ tinh nhân tạo để có thêm con vì không chịu nổi cảnh 2 vợ chồng già lủi thủi, cô quạnh. Tuy nhiên, hai vợ chồng cô Nguyệt đi đến đâu người ta cũng “từ chối” vì tuổi cao mang thai rất nguy hiểm.
Đi tới 3 – 4 bệnh viện và đều nhận được cái lắc đầu, có lúc cô Nguyệt tưởng chừng bỏ niềm hi vọng có thêm một mụn con. Vợ chồng cô Nguyệt tìm tới Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội đặt trọn niềm tim với 100 triệu đồng tiết kiệm cho cả gia đình.
Hoàn cảnh của cô Nguyệt được các bác sĩ rất thông cảm và cố gắng. Kết quả, tiêm tinh trùng vào bào tương trứng được 5 phôi và bác sĩ chuyển phôi thành công cho bà mẹ cao tuổi nhất Việt Nam vẫn sinh con này.
Kể về hành trình mang thai và chăm con, bà Nguyệt chia sẻ trong thời kỳ mang thai bà Nguyệt đã bị một lần dọa sẩy lúc thai được 3 tuần. Sau đó bà phải nằm bệnh viện theo dõi 6 ngày, may mắn là không vấn đề gì. Trong suốt quá trình mang thai, bà tăng được 6kg và ăn cơm khỏe hơn những người bình thường
“Nói thật! Tôi nuôi con còn dễ hơn nuôi cháu ngoại (cháu ngoại sinh năm 2010). Từ lúc cháu chào đời đến giờ tôi chưa phải cho cháu uống một viên thuốc kháng sinh nào. Thậm chí tôi nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và cho đến tận bây giờ cháu vẫn còn bú mẹ”, bà Nguyệt chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của bà Nguyệt, ngoài chuyện ăn tốt con trai bà còn rất điều độ trong việc ngủ nghỉ, cháu cứ ăn xong là cháu lăn ra ngủ, từ nhỏ tới giờ vợ chồng bà chưa phải mất giấc ngủ nào với cháu cả. Thậm chí khi biết đi, cháu còn tự giác đi ngủ chứ không cần mẹ phải ru. Đây là điều quá may mắn với cặp vợ chồng đã về hưu với cảnh bỉm sữa.
Sinh con ở tuổi đã cao, nên bà Nguyệt vẫn có chút lo lắng, tuổi hai vợ chồng cũng đã cao, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nên thôi bây giờ cứ vui vẻ, nuôi dạy con cho tốt. Nếu có mệnh hệ gì thì hai chị em lại đùm bọc nhau, bà chỉ biết đến giờ niềm vui vô cùng trọn vẹn với gia đình mình.