Dùng nhạc sàn "bay lắc" để hợp tác chữa bệnh tâm thần?
Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TƯ 1 nói có biện pháp điều trị bằng âm nhạc nên việc đối tượng Quý bật nhạc trong phòng, các bác sĩ cũng không quá khắt khe để đối tượng này hợp tác điều trị. Nhưng liệu có phải là nhạc sàn bay lắc?
Bệnh nhân tổ chức bay lắc, có gái gọi tại BV Tâm thần TƯ1: Lãnh đạo nói luôn tuân thủ nghiêm luật pháp
Trong báo cáo gửi Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, lãnh đạo bệnh viện Tâm thần TW 1 cho biết đã chỉ đạo khoa điều trị phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan.
Liên quan đến việc để bệnh nhân biến phòng điều trị thành nơi “bay lắc”, tàng trữ, buôn bán ma tuý tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, sáng nay, một đại diện khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, nơi đối tượng Nguyễn Xuân Quý vào điều trị từ năm 2018 cho hay, đối tượng này được chẩn đoán bị rối loạn tâm thần.
Đối với các bác sĩ, tính khí của Quý cũng rất thất thường, có lúc bệnh nhân này chào hỏi, trò chuyện rất vui vẻ nhưng có lúc lại hung dữ, chửi bới và dọa đánh bác sĩ.
Trả lời câu hỏi, vì sao đối tượng Quý bật nhạc to để "bay lắc" nhưng các nhân viên y tế không phát hiện được, vị bác sĩ này cho biết, tại khoa Phục hồi chức năng có một biện pháp điều trị bằng âm nhạc nên việc đối tượng Quý bật nhạc trong phòng, các bác sĩ cũng không quá khắt khe để đối tượng này hợp tác điều trị.
Vậy thực sự liệu âm nhạc có giúp ích trong việc trị liệu cho những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần hay không?
Cho bệnh nhân sử dụng nhạc sàn để hợp tác chữa bệnh tâm thần: Chẳng nhà trị liệu sử dụng cách ấy |
Trao đổi với PV Infonet, một bác sĩ chuyên ngành tâm lý thừa nhận, âm nhạc nhằm hỗ trợ người bệnh tâm thần phục hồi. Khi người bệnh mất khả năng, kỹ năng lao động, giao tiếp, khả năng cảm thụ… thì âm nhạc giúp kích hoạt người bệnh hoạt động, phục hồi lại những khả năng bị mất mát.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng đặt vấn đề: “Đối tượng sử dụng liệu pháp âm nhạc ở đây có phải là bệnh nhân tâm thần sa sút thật sự không? bởi nếu là bệnh nhân cai nghiện thì đâu có sử dụng liệu pháp này?”.
Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS tâm lý Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, liệu pháp âm nhạc chữa bệnh tâm thần là một cách thức trị liệu tạo ra các âm thanh giúp cho những người bệnh thư giãn lại, cảm nhận được hạnh phúc.
“Việc hoà mình vào âm thanh, âm nhạc có thể giúp một số người bộc lộ bản thân nhiều hơn, thể hiện bản thân nhiều hơn. Bên cạnh việc giải toả cảm xúc từ liệu pháp âm nhạc thì phương pháp này còn giúp hỗ trợ phát triển các kỹ năng giao tiếp xã hội”, PGS. TS Trần Thành Nam bày tỏ.
Theo đó, trị liệu bằng âm nhạc thường được diễn ra trong môi trường cá nhân hoặc nhóm, thư giãn trên nền nhạc. Những người mắc bệnh tự kỷ, rối loạn cảm xúc (lo âu, trầm cảm, mất ngủ) hay người luôn luôn nghi ngờ, giận dữ…. thường được áp dụng liệu pháp này.
“Những loại âm nhạc được sử dụng trong liệu trình chữa trị bao giờ cũng rất nhẹ nhàng và gợi cảm giác thư giãn thanh bình, trong đó nhạc thiền được sử dụng nhiều nhất”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Và vị PGS.TS chuyên ngành tâm lý từng có nhiều năm tu nghiệp tại Mỹ cho rằng, chữa tâm thần bằng liệu pháp âm nhạc là có cơ sở khoa học. Nguồn gốc liệu pháp này xuất hiện từ thời trung cổ, trong nhà thờ (thánh ca, piano…) tạo không gian, âm nhạc mang tính chất ám thị đối với những người xung quanh…
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định, “chẳng có nhà trị liệu nào mà sử dụng nhạc sàn, nhạc mạnh để chữa trị cho những bệnh nhân đang bị rối loạn ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần. Về mặt cơ sở, lý luận, trong trị liệu tâm lý, tâm thần không sử dụng loại hình âm nhạc này”.
Thậm chí, PGS.TS Trần Thành Nam cũng nhấn mạnh, việc trị liệu bằng âm nhạc phải là những người có chuyên môn, như ở Mỹ họ yêu cầu phải có bằng đại học hoặc thạc sĩ về trị liệu âm nhạc ở một cơ sở được phê duyệt và phải được đào tạo lâm sàng và được thực hành, có giám sát.
Trả lời PV Infonet về việc người tâm thần chỉ bị hạn chế năng lực, hành vi thì có bị truy cứu trách nhiệm không, luật sư Nguyễn Chiến (ĐBQH, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là vụ việc mà ông cho rằng "không ai tưởng tượng nổi".
Vụ việc này cũng cho thấy sự yếu kém trong công tác quản lý của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, sự xuống cấp đạo đức của một số cán bộ, nhân viên y tế, nhất là khi trước đó đã có một số thầy thuốc của bệnh viện này phải ngồi tù vì làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần, tiếp tay cho những đối tượng phạm tội muốn trốn tránh việc phải ngồi tù.
Do đó, luật sư Nguyễn Chiến kiến nghị, các cơ quan chức năng cần mở rộng điều tra vụ án để làm rõ hơn những ai có hành động bao che để một đối tượng bệnh nhân tâm thần lại có thể sử dụng trái phép chất ma túy, đưa cả gái mại dâm vào bay lắc tại cơ sở điều trị.
Về việc truy cứu trách nhiệm hình sự với người tâm thần, luật sư Nguyễn Chiến cho rằng, người tâm thần có những hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác là một hiện tượng hết sức nguy hiểm cho xã hội. Pháp luật hiện hành có quy định tình trạng không có năng lực, trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi thực sự nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tại khoản 2, Điều 49 của Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 cũng quy định người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 thì trước khi bị kết án cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Để xử lý trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, cơ quan tố tụng cần phải xác định được năng lực trách nhiệm hình sự của người đó. Trường hợp tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi không có năng lực trách nhiệm hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 21 BLHS 2015).
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên của pháp luật, căn cứ vào vụ việc, cơ quan tố tụng cần phải tiến hành các thủ tục để giám định tâm thần đối với người thực hiện hành vi phạm tội. Căn cứ vào kết luận giám định, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng hình phạt hoặc biện pháp khác đối với người thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ hai, theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với những người tâm thần phạm tội, họ có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận chỉ bị hạn chế năng lực hành vi thì vẫn có thể bị truy cứu.
Trong trường hợp Hội đồng y khoa cấp có thẩm quyền kết luận giám định họ bị mất năng lực hành vi thì họ sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, người tâm thần (thông qua người đại diện hợp pháp) vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự trong các vụ án xâm phạm tính mạng, sức khỏe... mà có gây thiệt hại cho người bị hại, gia đình nạn nhân.
N. Huyền
Biến phòng bệnh thành nơi 'bay lắc', tạm đình chỉ Giám đốc BV Tâm thần Trung ương I
Bộ Y tế quyết định tạm đình chỉ công tác chuyên môn để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và hợp tác với cơ quan điều tra đối với Bác sĩ Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.