Không cần tạo sự quá tải ở phòng khám hậu Covid-19
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Trí cho biết không cần chụp CT, MRI sàng lọc hậu Covid-19 ở tất cả bệnh nhân cao tuổi.
Người cao tuổi dễ mắc Covid-19 và khi mắc Covid-19 dễ bị các di chứng hậu Covid-19. Ở người cao tuổi yếu tố viêm, tăng đông cao hơn nên khi mắc Covid-19 dễ dẫn tới nặng và khỏi Covid-19 rồi vẫn còn nhiều di chứng.
PGS Nguyễn Văn Trí - Chủ tịch Hội Lão Khoa TP. HCM, nguyên Trưởng Bộ môn Lão khoa - Đại học Y Dược TP. HCM, cho biết đến nay ngay cả CDC Mỹ cũng cho rằng kiến thức chúng ta biết về Covid-19 là chưa đầy đủ và hậu Covid-19 cũng vậy và hiện giờ người ta vẫn nghiên cứu. Vì vậy, những di chứng hậu Covid-19 chúng ta nghe hôm nay có thể ngày mai sẽ sai nhưng ít nhất nó đúng trong giai đoạn này.
Hậu Covid-19 là định nghĩa về những người sau khi nhiễm Covid-19 triệu chứng còn kéo dài hoặc sau khoảng thời gian từ 4 đến 12 tuần sẽ xuất hiện. Hiện theo lâm sàng, chúng ta hay gặp trong 4 tuần sau mắc Covid. Khi chẩn đoán thì bác sĩ sẽ loại trừ các nguyên nhân khác.
Người bệnh có nhiều triệu chứng, các triệu chứng chồng lấp nhau, xuất hiện trên nhiều cơ quan khác nhau.
Bệnh nhân người cao tuổi khám hậu Covid-19. |
Hậu Covid-19 là thời gian âm tính xong nhưng triệu chứng vẫn còn. Các triệu chứng như người bệnh mệt mỏi, yếu cơ, kiệt sức, khó thở khi gắng sức, hội chứng sương mù não… đều có khả năng xuất hiện.
Cơ chế của hậu Covid-19 do virus làm tổn thương vào các tế bào, virus bám vào các thụ thể tế bào làm tổn thương các tế bào nhất là tế bào nội mạc, nội mô ở cơ quan hô hấp, mạch máu gây hội chứng viêm, rối loạn miễn dịch, tổn thương các cơ quan và dẫn tới viêm và huyết khối.
Với bệnh nhân Covid-19 là người cao tuổi, PGS Trí cho rằng khoảng ½ trường hợp bệnh nhân nằm ICU (Hồi sức tích cực) khi xuất viện sẽ bị mắc huyết khối. Còn ½ người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ vẫn có hội chứng huyết khối. Vấn đề này cần lưu ý vì hiện chúng ta chỉ quan tâm tới các bệnh nhân từng ICU ra.
Theo khuyến cáo CDC Mỹ, khi chẩn đoán hậu Covid-19, bác sĩ cần lắng nghe, xác định cho được triệu chứng của bệnh nhân cũng như các than phiền người thân của bệnh nhân kể lại.
Khi khám bác sĩ cần tiếp cận bệnh sử, các triệu chứng bệnh nhân đang có để xác định mục tiêu điều trị. Ở một số cơ sở y tế, thầy thuốc trẻ ít kinh nghiệm có thể sẽ không lưu ý điều này.
Điều trị hậu Covid-19 có thể điều trị tại phòng khám bác sĩ gia đình, không cần phải tới các cơ sở y tế lớn. PGS Trí cho rằng khi hậu Covid-19 chỉ cần chẩn đoán bằng bệnh sử, thăm khám là đủ.
Bác sĩ không cần thiết phải chẩn đoán bằng các kỹ thuật cận lâm sàng vì đôi khi còn hại, gây lo lắng cho bệnh nhân.
Một số trường hợp cần làm kỹ thuật sâu hơn như chụp CT, MRI nhưng bác sĩ chỉ định cần cân nhắc thật kỹ cho người bệnh chứ không phải là làm sàng lọc.
Theo PGS Trí, không cần thiết tạo sự quá tải ở các khu khám bệnh hậu Covid-19. Bởi vì sau khỏi Covid-19 chủ yếu là liên quan tới triệu chứng như khó thở, thở oxy tạm thời, nhịp tim nhanh thì điều trị theo triệu chứng, bác sĩ cần điều trị triệu chứng, làm tăng chất lượng sống cho người bệnh.
Các triệu chứng khó thở, thay đổi mùi vị, mệt, đau đầu, sốt nhẹ… sau khi loại trừ hết nguyên nhân bệnh lý khác thì nó tồn tại khoảng 3 tháng sẽ tự hết. Người bệnh nên tập trung tái phục hồi ăn, ngủ, nghỉ đúng khoa học.
Lo huyết khối ở người cao tuổi, PGS Trí cho biết bản chất cơ thể có tiêu sợi huyết tự thân và khi có huyết khối nhỏ thì cơ thể tự tiêu huỷ huyết khối nhỏ để bình phục.
Một số người không có tiêu sợi huyết tự thân có thể nặng lên gây huyết khối lớn, huyết khối vi mạch làm suy giảm trí nhớ nên các trường hợp này bác sĩ cần thận trọng không cần chờ có huyết khối nên dự phòng sớm cho người bệnh nhất là người cao tuổi.
PGS Trí cho biết các bệnh nhân tới khám ông đều cân nhắc cho bệnh nhân dùng kháng đông hay không chứ không phải là có bao nhiêu xét nghiệm cho làm hết gây tốn kém cho người bệnh.
Khánh Chi