Hậu Covid-19, biến chứng nào đáng sợ nhất?
Sau nhiễm Covid-19 nguy cơ biến chứng huyết khối rất nguy hiểm có thể gây đột quỵ cho người bệnh bất cứ lúc nào.
TS BS Trần Chí Cường – Giám đốc chuyên môn BV Đột quỵ Cần Thơ cho biết Covid-19 là bệnh rất mới, trước đây vào đầu mùa dịch tất cả các chuyên gia y tế, truyền nhiễm đều cho rằng tổn thương do Covid-19 ở hệ hô hấp, hệ miễn dịch. Nhưng trong thời gian số ca mắc ngày càng nhiều thì người ta thấy Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới hệ thần kinh, hệ tim mạch, hệ cơ.
Covid-19 lây qua giọt bắn, trong không khí việc đầu tiên virus xâm nhập đường hô hấp, hít phải giọt bắn chứa virus và virus tấn công xâm nhập tế bào niêm mạc mũi và đi vào tế bào của cơ thể, thâm nhập hệ tuần hoàn thậm chí có thể xảy ra phản ứng quá mẫn tấn công lại virus thì vô hình tấn công cả cơ quan lành của chúng ta.
Virus sau khi xâm nhập cơ thể nó đi đến các cơ quan quan trọng của cơ thể. Ngoài hệ miễn dịch virus còn tấn công mạch máu có thể dẫn tới hình thành cục máu đông. Có trường hợp hình thành cục máu đông ở phổi gây tắc mạch phổi, ở tim gây nhồi máu cơ tim, ở não gây nhồi máu não.
TS Cường cho biết một đồng nghiệp của anh ở TP.HCM chưa tới 40 tuổi sau khi mắc Covid-19 đã khỏe nhưng bị biến chứng hậu Covid-19 là tắc mạch huyết khối và người bệnh đã tử vong vì tắc huyết khối sau Covid-19.
Biến chứng tắc huyết khối sau Covid-19. |
Một bệnh nhân nhiễm Covid-19 bị đột quỵ não xác xuất chỉ 1/1000, tỷ lệ không cao nhưng số ca nhiễm trong cộng đồng lớn thì các ca tử vong do huyết khối vẫn được ghi nhận. Người bệnh bị nhồi máu não, tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim. Vì vậy, khi mắc Covid-19 ngoài nguy hiểm đông đặc phổi thì đột quỵ não cũng trở thành vấn đề đáng lo ngại.
Trong mùa dịch vừa qua, tại BV Đột quỵ Cần Thơ cũng gia tăng bệnh nhân đột quỵ. Số bệnh nhân tăng lên theo bác sĩ Cường nguyên nhân do người bệnh có bệnh nền trước đó lo lắng dịch bệnh ít tái khám, bỏ thuốc.
Ngoài ra, bệnh viện cũng ghi nhận các bệnh nhân đột quỵ sau nhiễm Covid-19, hoặc đột quỵ nhẹ lại nhiễm thêm Covid-19 thì đột quỵ chuyển nặng ghi nhận nhiều. Bệnh nhân đến bệnh viện ngoài thời gian vàng, hôn mê sâu, nguy cơ tử vong tăng lên rất nhiều. Trong mùa dịch tỷ lệ tử vong khi đột quỵ lên tới 40% do mất thời gian vàng đến bệnh viện sớm.
Nếu trường hợp bệnh nhân từng có cơn thiếu máu não thoáng qua thì nguy cơ trở thành đột quỵ là 80% nếu mắc thêm bệnh Covid-19 thì nguy cơ cần can thiệp y tế rất lớn. Người có tiền căn đột quỵ, đã từng đột quỵ, tiểu đường, chưa tiêm đủ liều vắc xin, miễn dịch kém cần hết sức cẩn trọng.
Trên hệ hô hấp người bệnh có thể sụt giảm oxy máu khiến người bệnh mệt mỏi khi vận động, người thiếu không khí.
Người sau nhiễm Covid-19 còn có cảm giác mệt mỏi, căng thẳng, giảm cảm giác hưng phấn. Nhiều người phải nằm hồi sức kéo dài thì phục hồi có thể bị ảnh hưởng tới hệ cơ, teo cơ. Một biến chứng nặng nề đó là ảnh hưởng tâm lý xã hội người bệnh mặc cảm, sợ hãi.
Sau Covid-19, cơ thể cần thời gian phục hồi, TS Cường cho rằng người bệnh cần quan tâm bệnh lý nền nhiều hơn và nên suy nghĩ tích cực, tái khám định kỳ để sàng lọc nguy cơ. Người khỏe mạnh sau nhiễm Covid-19 cũng có thể bị huyết khối. Vì vậy nếu sau nhiễm Covid-19 bạn thấy đau đầu thường xuyên, thi thoảng yếu tay chân thì cần kiểm tra thật kỹ vì đó là biến chứng huyết khối có thể gây đột quỵ sau nhiễm Covid-19.
Các biến chứng hậu Covid-19 người bệnh phải đối diện:
- Xơ phổi, khiến người bệnh ho, khó thở, hạn chế gắng sức
- Suy tim, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim và huyết áp…
- Não: Đột quỵ, tai biến mạch não yếu ½ người, nhìn mờ, mất khả năng nói…
- Suy gan - suy thận
- Huyết học: Rối loạn đông máu, tăng đông gây huyết khối, tắc mạch…
- Đái tháo đường
Hoặc, không có tổn thương thực thể; nhưng có nhiều triệu chứng “khó chịu”:
- Mệt mỏi
- Sương mù não: Hay quên, khó tập trung, khó sắp xếp cuộc sống của họ
- Ho dai dẳng
- Đau lói ngực, lưng, nhức mỏi tay chân
- Mất mùi, mất vị
- Trầm cảm, lo âu, mất ngủ
- Ăn uống kém
- Sụt cân
- Phát ban da - Rụng tóc
Khánh Chi