5 thắc mắc xung quanh test nhanh
Nhiều người thắc mắc tại sao sau tiêm vắc xin xét nghiệm lại lên hai vạch? Hay khi nhiễm bệnh 2 - 3 ngày sau âm tính thì có cần sử dụng thuốc kháng virus hay không được nhiều người quan tâm.
Theo BS Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc Phòng những ngày qua anh liên tục nhận được những thắc mắc của mọi người về vấn đề test nhanh Covid-19.
Thứ nhất, trước khi tiêm vắc tôi âm tính, liệu tiêm vắc xin xong tôi test có bị dương tính hay không?
Câu trả lời là: KHÔNG! loại vắc xin bất hoạt đưa đoạn gen mã hóa gai virus (gen S) vào cơ thể, trong khi đó các loại test nhanh kháng nguyên và test PCR thì lại dựa vào sự có mặt của gen E, gen N, gen RdRp. Do vậy, việc tiêm vắc xin không làm cho kết quả test nhanh/PCR trở nên dương tính.
Nếu sau khi đi tiêm vắc xin mà bạn bị dương tính thì hoặc là bạn đã nhiễm trước đó mà không phát hiện ra, hoặc là bạn bị lây nhiễm do tiếp xúc trong quá trình đi tiêm chủng.
Thứ hai, có phải test nhanh có giá trị 24 tiếng còn test PCR có giá trị 72 tiếng?
Câu trả lời là: KHÔNG! Test nhanh hay test PCR thì đều chỉ có giá trị tại thời điểm lấy mẫu.
Dù test nhanh hay test PCR âm tính mà sau đó bạn tiếp xúc gần với F0 thì đều có thể bị nhiễm, giá trị âm tính trước đó không có ý nghĩa gì nữa.
Việc một số nơi sử dụng kết quả test nhanh trong 24 tiếng hay test PCR trong vòng 72 tiếng chỉ là cách làm mang tính cảm tính, ít có ý nghĩa về mặt khoa học.
Cách test nhanh Covid-19 |
Thứ ba, tại sao test nhanh tôi lên 2 vạch mà test PCR lại âm tính?
Câu trả lời điều này có thể xảy ra vì một số trường hợp khi test nhanh hiện 2 vạch, trong đó vạch T rõ nét, nhưng khi test PCR thì lại âm tính. Trường hợp do hai nguyên nhân:
- Có thể test nhanh bị lỗi, cho kết quả dương tính giả. Trường hợp này ít nhưng không phải không có. Cách xử lý là test lại với loại test nhanh khác.
- Người ngoáy mũi lấy bệnh phẩm thao tác không đúng, hoặc trong quá trình bảo quản mẫu không đúng, hoặc bị nhiễm các chất gây ức chế phản ứng PCR, dẫn đến kết quả âm tính giả, trong khi người bệnh thực sự có virus.
Thứ 4, sau 3 ngày, chỉ số CT trong kết quả PCR của tôi lại giảm, có phải bệnh của tôi đang nặng lên không?
Câu trả lời có thể đúng và cũng có thể sai:
Chỉ số CT giảm có nghĩa là: tải lượng virus trong mẫu bệnh phẩm trong lần xét nghiệm sau cao hơn lần xét nghiệm trước.
Một số trường hợp, xét nghiệm lần đầu khi virus mới bắt đầu nhân lên, chỉ số CT cao, tải lượng virus thấp. Vài ngày sau, xét nghiệm thấy CT giảm, đúng là tải lượng virus tăng lên, nhưng không có nghĩa là bệnh của bạn đang diễn biến nặng lên. Vì việc virus nhân lên là diễn biến bình thường của bệnh trong đa số các trường hợp, thường sau 5-7 ngày thì lại giảm.
Nếu sau khoảng 3-5 ngày nữa, xét nghiệm lần thứ 3 mà chỉ số CT tiếp tục giảm so với lần test thứ 2 thì có thể nhận định là tình trạng bệnh đang nặng lên.
Thao tác lấy mẫu lần đầu có thể không chuẩn. Có thể thực tế là tải lượng virus của người bệnh cao nhưng que lấy mẫu quẹt không đúng chỗ nên khi làm PCR, chỉ số CT cao, gây nhầm tưởng là tải lượng virus thấp.
Với các trường hợp virus nhân lên không ngừng thì đúng là bệnh đang diễn biến nặng lên thực sự, tương ứng với chỉ số CT giảm sau mỗi lần xét nghiệm.
Do vậy, nếu chỉ số CT của bạn giảm sau vài ngày, thì cũng chưa hẳn là bệnh của bạn đang nặng lên.
Thứ năm, sau 2-3 ngày dùng thuốc kháng virus, tôi còn 1 vạch thì có uống thuốc nữa không?
Câu trả lời: BS Hoàng cho rằng thuốc kháng virus vẫn phải uống đủ 5 ngày với Molnupiravir, hiện đang trong chương trình thử nghiệm, bạn cần uống đủ 5 ngày như trong cam kết để có kết quả đánh giá chính xác nhất.
Nếu bạn dùng Favipiravir, cũng cần uống đủ ít nhất 5 ngày.
Việc bạn test nhanh 1 vạch không đảm bảo bạn hết virus. Virus có thể không còn ở dịch tỵ hầu nhưng trong phổi hoặc các cơ quan khác có thể vẫn còn virus. Ngoài ra có thể thao tác ngoáy mũi của bạn không đúng.
Hơn nữa, test nhanh thường chỉ chính xác khi CT dưới 25. Với CT trên 25, nhiều loại test nhanh không phát hiện được. Với CT trên 30, đa số các loại test nhanh không phát hiện được.
Khánh Chi