Bác sĩ gia đình: Làm sao để người dân đón nhận?

Để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, một định hướng quan trọng của Bộ Y tế là phát triển mô hình bác sĩ gia đình phủ khắp cả nước. Hiện nay, 8 địa phương đang thí điểm mô hình này. Làm sao để người dân đón nhận BSGĐ?

Đó là chủ đề của cuộc tọa đàm Bác sĩ gia đình: Làm sao để người dân đón nhận? Cuộc tọa đàm được Bộ Y tế và Báo điện tử Infonet tổ chức tại TP.HCM ngày 23/11/2017.

Khách mời tham dự buổi tọa đàm là BS Nguyễn Ngọc Duy – TP Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP.HCM; PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp, Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch.

Đại diện Báo điện tử Infonet tặng hoa cho hai khách mời tại buổi tọa đàm Bác sĩ gia đình: Làm sao để người dân đón nhận?

Dưới đây là nội dung buổi tọa đàm:

Chị Thu Nguyệt, TP.HCM: Thưa BS Nguyễn Ngọc Duy, tôi nên hiểu như thế nào là mô hình bác sĩ gia đình? Bác sĩ gia đình có thể khám tổng quát hay là bác sĩ khám chuyên khoa?

BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP.HCM: Một số người dân hiểu bác sĩ gia đình (BSGĐ) là phải đến tại nhà. Nhưng thực tế, BSGĐ là người nắm chuyên môn về các bệnh cộng đồng. Tuy vậy, trong chức năng là họ có đến nhà để khám cho các bệnh nhân già.

BSGĐ là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh. Họ là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. BSGĐ biết rõ từng người bệnh và những vấn đề liên quan đến sức khỏe gia đình của họ trên cơ sở xem xét lối sống của bệnh nhân, di truyền trong gia đình... Việc chăm sóc, theo dõi từ lúc còn khỏe mạnh, vừa mới sinh ra… giúp bác sĩ nắm được bệnh sử của người bệnh, diễn tiến bệnh lý nên đề ra được những liệu pháp điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng; giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho xã hội.

BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng nghiệp vụ Y - Sở Y tế TP.HCM trả lời tại buổi Tọa đàm

Ông Quách Quang Tuấn (50 tuổi, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh): Xin hỏi, muốn phát triển tốt mô hình này, Bộ Y tế, Sở Y tế, các bệnh viện tuyến xã, huyện cần phải làm gì để thu hút bệnh nhân? Nguyên nhân nào khiến người dân e ngại với mô hình này?

BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP.HCM: Thực tế hiện nay, người dân tồn tại thói quen khám chữa bệnh tại các bệnh viện đầu ngành để được thăm khám và giải quyết ngay. Trẻ sốt nhẹ cha mẹ đã nghĩ đến BV Nhi đồng 1 , Nhi đồng 2 trong khi có những bệnh lý như tai mũi họng đơn giản, trạm y tế có thể xử lý được.

Sở Y tế đã có nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng y tế cơ sở, đầu tư nâng cao chất lượng chuyên môn, đưa bác sĩ thành phố xuống hỗ trợ, cầm tay chỉ việc, huấn luyện đào tạo cho bác sĩ quận huyện để người dân tin tưởng. Hiện nay, BS ở quận huyện đã dần lấy được sự tín nhiệm của người dân.

Các bệnh viện quận huyện làm tốt hiện cũng đang rơi vào tình trạng quá tải, như BV Thủ Đức đã phát triển thành bệnh viện bậc 1; Rồi bệnh viện Quận 2, Quận Bình Tân…

Vừa rồi, BV Quận 2 đã khánh thành khu điều trị quy mô 500 giường bệnh. Các bác sĩ cũng đang được nâng cấp về chất lượng chuyên môn và quản lý.

Còn trạm y tế, Sở cũng đã có những nỗ lực đưa chất lượng khám chữa bệnh nâng lên. Ví dụ, TP đưa ra phác đồ điều trị cho trạm, để BS có thể tham chiếu điều trị; tổ chức các lớp tập huấn nhi khoa, sản khoa để anh em nắm các nghiệp vụ chuyên môn; Mở các lớp về cao huyết áp, da liễu… để BSGĐ có thể nắm được các bệnh lý chung.

Thời gian tới, Sở tiếp tục đầu tư quyết liệt hơn cho trạm y tế cơ sở.

Chị Thảo Mai, ngụ quận Tân Bình: Chi phí cho một lần khám ở phòng khám bác sĩ gia đình tại TP.HCM là bao nhiêu tiền? Giá này có phải áp dụng cho tất cả các phòng khám bác sĩ gia đình hay tuỳ từng địa phương?

PGS.TS.BS Trần Mộng Hiệp, phòng khám BSGĐ ĐH Y Phạm Ngọc Thạch trả lời tại buổi Tọa đàm

PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp, phòng khám BSGĐ ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Thực tế, tùy từng địa phương, khung giá ấn định của Sở y tế, miễn áp sao cho đúng khung của sở. Cụ thể, tại bác sĩ gia đình Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch 80 ngàn đồng/lần, bệnh viện Hoàn Mỹ 120 ngàn đồng/lần.

BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP.HCM: Tư nhân đăng ký mức giá nào, Sở duyệt thì sẽ dùng mức giá đó. Còn BV công lập có quy định khung giá, theo bảo hiểm tối đa 1 lần khám được thanh toán 27 ngàn đồng, không có thẻ bảo hiểm y tế thu 30 ngàn đồng.

Anh Tuấn, quận 5: Với mô hình bác sĩ gia đình, một bác sĩ sẽ khám cho người bệnh trong suốt quá trình điều trị hay có nhiều bác sĩ thăm khám, thưa ông?

BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP.HCM: Trong hoạt động của phòng khám BSGĐ, lý tưởng nhất là có 1 BS theo dõi được sức khỏe toàn bộ cho người bệnh là tốt nhất.

Còn nếu không thể, vượt quá khả năng của BSGĐ, thì họ sẽ giới thiệu chuyển bệnh nhân đến 1 BS chuyên khoa khác, sau khi điều trị xong, kết quả sẽ được chuyển về BSGĐ để thông báo, lưu trữ hồ sơ bệnh án.

Chị Mai Thảo, quận 6: Mô hình này đã triển khai trên toàn quốc chưa, thưa bác sĩ Duy? Ở những vùng sâu vùng xa, người dân có thể tiếp cận được mô hình này không? Người thân tôi ở Sóc Trăng, muốn khám bác sĩ gia đình thì phải đi đâu, liên hệ ai, như thế nào?

BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP.HCM: Hiện tại Bộ Y tế mới thí điểm, triển khai cho 8 tỉnh thành: Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hải Phòng.

Với những người dân ở tỉnh thành này, họ sẽ có BSGĐ để khám. Còn nơi khác thì có thể đến các nơi thí điểm này để khám, nếu muốn.

Chị Nhuyễn, quận Bình Thạnh: Mô hình này có bao gồm điều dưỡng giúp chăm sóc người bệnh nằm một chỗ không, thưa PGS?

PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp, phòng khám BSGĐ ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Mô hình BSGĐ có điều dưỡng gia đình, chăm sóc tại nhà. Hiện tại chúng tôi đang thực hiện và triển khai chăm sóc tại nhà nằm tại chỗ.

Tại trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch đang có dự án phối hợp vương quốc Bỉ, thực hiện dự án điều dưỡng gia đình, dạy và đào tạo lại cho nhiều điều dưỡng.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Thu Thủy, Bình Chánh: Mặc dù đã thực hiện mô hình Phòng khám BSGĐ được hơn vài năm nhưng người dân vẫn chưa hiểu đầy đủ về mô hình này. Là đơn vị vừa đào tạo vừa khám chữa bệnh, PGS có thể nói rõ hơn đâu là nguyên nhân khiến mô hình này chưa được nhiều người biết đến?

PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp, phòng khám BSGĐ ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Thực ra, ý kiến riêng của tôi, lĩnh vực này công tác truyền thông chưa được đẩy mạnh lắm.

Riêng phòng khám BSGĐ tại ĐH y khoa Phạm Ngọc Thạch mới khai trương được 8 tháng, hoạt động ban đầu, chưa triển khai nhiều xuông người dân.

Theo tôi nghĩ, ngoài chuyện chúng ta truyền thông trong dân chúng tìm hiểu, người dân của mình vẫn còn có thói quen tới bệnh viện, chưa có thói quen tới bác sĩ gia đình.

Để người dân biết và tới mô hình này thì tôi nghĩ Sở y tế, các cấp ngành phải có chính sách, phân cấp chuyên môn, bệnh nhẹ chuyển về phòng khám gia đình, cơ sở trạm y tế.

Tôi thấy tình trạng, bệnh viện tuyến trên giữ bệnh nhân lại, họ không chuyển mà ôm càng nhiều càng tốt. Thực tế các bệnh nhân nhẹ nên về tuyến cơ sở, tuyến cuối chỉ giữ bệnh nhân nặng, chuyên khoa sâu.

Các nước trên thế giới, bảo hiểm y tế rất quan trọng. BHYT không trả tiền cho BV nếu chữa bệnh nhẹ, chỉ chi trả tiền bệnh nặng thôi. Vì vậy, tiên lượng bệnh nhẹ họ sẽ đẩy về cơ sở, chỉ giữ bệnh nhân nặng.

Thùy Trang – huyện Bình Chánh: BSGĐ có đến tận nhà để tư vấn, hướng dẫn, theo dõi bệnh tình của người bệnh hay không, đặc biệt với những bệnh nhân lớn tuổi, thưa bà?

PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp, phòng khám BSGĐ ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Đối với bệnh nhân lớn tuổi, mô hình bác sĩ gia đình sẽ đến tận nhà, nhất là người lớn tuổi, di chuyển khó khăn. Ở các nước tiên tiến, khuynh hướng người bệnh vẫn còn đi được thì họ vẫn đi tới phòng khám BSGĐ hơn là mời BS mời tới tận nhà.

Anh Phán, Công nhân khu CN Tân Bình: Tôi là công nhân, từ quê lên TP.HCM kiếm sống. Tôi muốn khám bác sĩ gia đình thì phải đi đâu? Có cần chứng minh hộ khẩu không?

BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP.HCM

BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP.HCM: Hiện nay, khám BSGĐ không phải chứng minh hộ khẩu mà chỉ cần đến trạm y tế gần nhất để khám. Nếu có BHYT anh cũng sẽ được thanh toán.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (40 tuổi, công nhân KCN Linh Trung, Q. Thủ Đức): Mô hình bác sĩ gia đình được triển khai tới các công nhân trên địa bàn thành phố thế nào? Thời gian các công nhân đi làm vào ban ngày thì có cách nào tạo thuận lợi cho công nhân tiếp cận bác sĩ gia đình không?

PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp, phòng khám BSGĐ ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Những công nhân mong muốn khám ngoài giờ thì tùy phòng khám hoạt động. Mô hình bác sĩ gia đình tại trường Y khoa Phạm Ngọc Thạch có các gói khám sức khỏe cho công nhân, thay vì khám định kỳ cho tất cả công nhân khám qua loa. Gói dịch vụ đó cho xét nghiệm miễn phí, công nhân được khám tốt hơn, tầm soát kỹ lưỡng hơn.

Ngọc Vinh – huyện Nhà Bè : Xin ông cho biết tại TPHCM có bao nhiêu phòng khám BSGĐ, loại hình này đã có mặt tại hết 24 quận huyện hay chưa?

BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP.HCM: Hiện tại, TP có 191 trạm y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình. Có 8 phòng khám BSGĐ tại phòng khám đa khoa tư nhân.Có 19 bệnh viện quận huyện thực hiện phòng khám BSGĐ. 17 phòng khám BSGĐ tư nhân độc lập. Ngoài ra, ĐH Y Phạm Ngọc Thạch đã có 1 phòng khám BSGĐ hiện đại. Sắp tới, chúng tôi sẽ phát triển nhiều hơn mô hình này.

Huỳnh Mỹ Tiên – Q.7: Mặc dù có bác sĩ nhưng dường như người dân vẫn không mấy tin tưởng các phòng khám BSGĐ mà vẫn muốn đến các bệnh viện lớn cho yên tâm. Vậy làm cách nào để thu hút người dân đến với BSGĐ, thưa ông?

BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP.HCM: Thói quen của người dân lâu nay, cứ có bệnh là đến BS chuyên khoa giỏi về lĩnh vực này. Nhưng hiện nay Sở đang nâng cao chất lượng bác sĩ. Chắc chắn trong thời gian tới, những bênh lý tổng quát, BSGĐ sẽ đáp ứng được yêu cầu của người dân. Lợi ích của BSGĐ sẽ là khám chữa bệnh tốt, tư vấn, quản lý sức khỏe lâu dài.

Bộ Y tế cũng có Thông tư 39 về gói dịch vụ cơ bản dành cho tuyến cơ sở. Trên cơ sở này, các trạm sẽ được khám chữa bệnh với 76 kỹ thuật khám chữa bệnh, 241 loại thuốc cho các bệnh cơ bản.

Về chất lượng BS, như tôi đã nói ở trên, BV quận huyện sẽ phải đưa BS về trạm huấn luyện cho BS trạm. Các BV tuyến TP hỗ trợ BS quận huyện, tiếp đó BS quận huyện sẽ hỗ trợ BS trạm. Dù có nơi làm tốt, có nơi chưa tốt nhưng TP vẫn đang chấn chỉnh dần.

Đinh Thảo – quận Bình Thạnh: Tôi đọc báo đài thấy nói BSGĐ sẽ chăm sóc sức khỏe người dân từ lúc ban đầu cho đến suốt quá trình điều trị bệnh sau đó, nhưng thực tế hình như BSGĐ của TP.HCM chưa thực hiện được điều này mà vẫn chỉ là khám bệnh thông thường?

BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP.HCM: Thực tế là các BS đang thực hiện theo nguyên lý BSGĐ. Thông tin họ nắm được rồi. Khi cần thiết họ mới nêu ra chứ không phải lúc nào cũng phải báo cáo. Họ luôn tích hợp trong quá trình điều trị.

Chị Nguyễn Thị Tuyền (30 tuổi, đảo Thạnh An, Cần Giờ): Xin hỏi, mô hình BSGĐ hoạt động ở đảo thế nào? Người dân có lợi gì so với các dịch vụ y tế tại đảo?

BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP.HCM: Xã đảo Thạnh An đã thực hiện nguyên lý BSGĐ tại trạm y tế rồi. Họ làm nhiệm vụ như BSGĐ. Người dân đến khám là họ nắm hết tình hình gia đình, sức khỏe các thành viên gia đình và tư vấn cho người dân rồi.

Chị Thu Thuỷ, ngụ huyện Hóc Môn: Nhà tôi ở huyện Hóc Môn nhưng tôi làm việc tại quận 10, vậy tôi có được khám bệnh tại phòng khám bác sĩ gia đình ở địa bàn nơi tôi làm việc hay không? Có cần thủ tục hộ khẩu hay thủ tục gì chứng minh nơi ở không?

BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP.HCM: BSGĐ không giới hạn địa bàn quản lý. Nếu có nhu cầu, chị Thủy cứ đến. Họ sẽ khám và quản lý thông tin người bệnh. Người bệnh và gia đình có tiền căn, tiền sử như thế nào, họ sẽ lưu giữ thông tin đó.

Thu Hiền (Bình Định): Đối tượng nào có thể tham gia mô hình này? Tôi là bác sĩ, muốn tự mở phòng khám gia đình có được không?

BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP.HCM: Chị nên tham khảo nghị định 109/2016 quy định, hướng dẫn các thủ tục điều kiện để đăng ký hành nghề. Anh/chị phải học chương trình về y học gia đình của trường ĐH có chuyên ngành đó, có thời gian thực tế công tác. Sau khi có thời gian thực hành sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề.

Nếu địa phương mình không có, chị có thể học tại TP.HCM. Bình Định và Bình Dương hiện chưa nằm trong diện thí điểm.

Chị Hải, quận 3: Chương trình đào tạo BSGĐ có giống như đào tạo bác sĩ chuyên ngành khác không, thưa PGS Mộng Hiệp?

PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp, phòng khám BSGĐ ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Tất nhiên chương trình đào tạo BSGĐ không giống hoàn toàn, BSGĐ sẽ được đào tạo tất cả chuyên khoa thường gặp với người dân ngoại trú. Đào tạo BSGĐ còn khác nữa là chú trọng giao tiếp, hiểu tâm lý người bệnh. Trong khi bác sĩ làm việc tại bệnh viện là đào tạo chuyên khoa sâu.

Trịnh Hoàng Bách – Q.10: Nếu đang khám tại phòng khám BSGĐ mà tôi muốn chuyển lên các bệnh viện tuyến trên thì có được không? Các kết quả có được chấp nhận không hay phải làm lại từ đầu?

PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp, phòng khám BSGĐ ĐH Y Phạm Ngọc Thạch

PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp, phòng khám BSGĐ ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Trên nguyên tắc chuyển viện thì người bệnh vẫn được chấp nhận. Tuy nhiên, khi chuyển lên tuyến trên, các bệnh viện tuyến trên chưa chấp nhận hẳn kết quả của bệnh viện tuyến trước. Hiện tại bảo hiểm y tế đang cố gắng thay đổi cách nhìn đó.

BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP.HCM: Nguyên tắc bệnh nhân khám tại BSGĐ nhưng có 2 trường hợp: Giả sử bệnh lý vượt quá khả năng điều trị của BSGĐ thì sẽ được giới thiệu chuyển bệnh viện tuyến trên phù hợp. Ví dụ bệnh nhân tiên lượng nhồi máu não, sẽ chuyển lên tuyến cao hơn nữa.

Còn nếu chỉ cảm cúm mà bệnh nhân cứ muốn chuyển lên tuyến trên, BSGĐ phải giải thích rõ cho người bệnh.

Về liên thông kết quả, tôi nghĩ là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, do đặc thù, bệnh lý thay đổi, hôm nay thế này, ngày mai khác. Vì vậy, kết quả chỉ sử dụng chung nếu chuẩn hóa, ổn định, không thay đổi theo thời gian dài. Nếu không đáp ứng các yêu cầu trên, tuyến trên hơn phải làm lại kết quả…

Trần Thu Hương – Quận 12: Nếu phòng khám BSGĐ đặt ở trạm y tế, tôi đến khám ở đó thì có khác gì so với khám tại trạm y tế? Bác sĩ của trạm y tế có phải là BSGĐ luôn hay không?

BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TP.HCM: Hiện tại, chúng tôi đang nâng cao chất lượng ở trạm y tế, tương lai gần của trạm y tế sẽ đảm nhận luôn vai trò BSGĐ. Các bác sĩ sẽ được học thêm về y học gia đình. Hiện 191 trạm y tế đang hoạt động theo nguyên lý bác sĩ gia đình

Ông Nguyễn Văn Dương (35 tuổi, P. Linh Trung, Q. Thủ Đức): Xin hỏi bác sĩ, mô hình này có gì ưu điểm gì cho người dân?

PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp, phòng khám BSGĐ ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Thường các phòng khám BSGĐ sẽ giúp người dân được chăm sóc gần nhà, đỡ phải di chuyển nhiều nhất, mô hình chăm sóc toàn diện bởi 1 bác sĩ. Họ sẽ theo dõi suốt đời, tầm soát, tư vấn dự phòng bệnh tật cho người dân.

BSGĐ sẽ hỗ trợ tâm sinh lý cho người bệnh. Nếu được người bệnh tin tưởng, họ sẽ theo dõi từ nhỏ tới suốt đời, đồng hành lúc bệnh tật và lúc khỏe mạnh. BSGĐ được người bệnh tin tưởng, họ sẽ kể hết nỗi lo lắng buồn phiền của họ, để BS chia sẻ.

Anh Lê Quang Tới (20 tuổi, P.25, Q. Bình Thạnh): Xin hỏi bác sĩ, giới sinh viên có được hưởng lợi ích gì từ mô hình bác sĩ gia đình hay không? Những bệnh nào có thể khám hoặc không thể khám tại mô hình này?

PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp, phòng khám BSGĐ ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Sinh viên cũng giống như người dân, được thụ hưởng lợi ích và ưu điểm như chúng ta đã nói. Đối với sinh viên trường y khoa Phạm Ngọc Thạch, các sinh viên được giảm giá, khám miễn phí tâm sinh lý, khám tầm soát, tư vấn cho các em, test trắc nghiệm.

Bệnh nào BSGĐ cũng khám được hết. Nếu cần ý kiến chuyên khoa, họ sẽ xin ý kiến chuyên khoa.

Chị Nguyễn Thị Thảo (sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn TP.HCM): Thẻ bảo hiểm y tế được sử dụng ra sao với mô hình bác sĩ gia đình, thưa bà? Mô hình này triển khai trong giới sinh viên như thế nào?

PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp, phòng khám BSGĐ ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Những nơi nào phòng khám BSGĐ đăng ký khám thẻ bảo hiểm y tế thì BHYT chi trả như bình thường.

Chị Đào Phương Thảo, quận Bình Thạnh: Người dân khi muốn khám chữa bệnh tại các phòng khám bác sĩ gia đình của phòng khám gia đình ĐH Y Phạm Ngọc Thạch thì đăng ký, liên hệ như thế nào, thưa bà?

PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp, phòng khám BSGĐ ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Người dân muốn khám chữa bệnh hãy gọi tới số điện thoại 0838620120 hoặc 0838620150, đối với điện thoại trong giờ hành chính, lưu lại gọi lại.

Hoặc xin đăng ký qua email: phongkhambsgd@pnt.edu.vn, qua trang web www.phongkhambsgd.pnt.edu.vn. Tốt nhất bệnh nhân đăng ký trước xin cái hẹn.

Chị Phụng Giao, ngụ quận 5: Khi khám bệnh tại các phòng khám bác sĩ gia đình này, hồ sơ bệnh án của người bệnh sẽ được lưu trữ như thế nào?

PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp, phòng khám BSGĐ ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Lưu trữ dưới 2 hình thức: Giấy hoặc bệnh án điện tử.

Chị Thảo Trang, ngụ quận 9: Bác sĩ tại các phòng khám bác sĩ gia đình có tầm soát được các bệnh như ung thư hay không, thưa bà?

PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp, phòng khám BSGĐ ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Đương nhiên là có, không những bệnh ung thư mà còn mãn tính không lây.

Đinh Khánh Chi (huyện Hóc Môn): Hiện nay tôi đến bệnh viện thì các bác sĩ khám rất nhanh, muốn hỏi thêm nhiều điều nhưng sợ phiền vì đông người đợi phía sau. Xin hỏi các bác sĩ rằng tại phòng khám gia đình, các bác sĩ có dành nhiều thời gian cho chúng tôi hơn được không? Chân thành cảm ơn bác sĩ.

PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp, phòng khám BSGĐ ĐH Y Phạm Ngọc Thạch: Có! Dành thời gian cho bệnh nhân rất nhiều. Có khi tư vấn cả tiếng đồng hồ, không cần biết thời gian. Đây là một trong những ưu điểm lớn của BSGĐ.

Nhóm PV

Ngồi trong ô tô có cần chống nắng?

Khi trời nắng, tia cực tím hoạt động càng mạnh, trong đó tia UVA có khả năng xuyên qua cửa kính ô tô. Đây là tác nhân gây lão hóa, nám, thậm chí là ung thư da.

Ba thói quen uống nước gây hại cho cơ thể vào ngày nắng nóng

Ngày hè nắng, người dân thường muốn uống ly nước lạnh giúp giải tỏa cơn nóng, khát. Tuy nhiên, hành động này lại vô tình gây hại cho cơ thể.

Những người không nên ăn mướp

Quả mướp tốt cho những người bị thiếu máu, đái tháo đường, tim mạch. Tuy nhiên, một số người cần lưu ý khi sử dụng mướp trong thực đơn hằng ngày.

Người 32 tuổi có thận như cụ già sau khi dùng thực phẩm chức năng của Nhật

Một tháng sau khi dùng thực phẩm chức năng của Kobayashi, một nhân viên y tế tại Bệnh viện Kobe bắt đầu gặp phải các vấn đề sức khỏe không rõ nguyên nhân.

Vợ chồng bác sĩ kể lại giây phút cấp cứu hàng chục người gặp tai nạn giao thông

"Em là bác sĩ, em sẽ hướng dẫn mọi người sơ cứu đúng cách", bác sĩ Giáp không kịp cởi mũ bảo hiểm, vừa hô to, vừa xắn tay áo lao vào cấp cứu các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Kon Tum.

Loại quả giúp chống lão hoá đang được bán khắp nơi ở Việt Nam

Dâu tây là trái cây được nhiều người yêu thích, tốt cho sức khỏe, hỗ trợ quá trình chống lão hóa. Dâu tây khó bảo quản, ở nhiệt độ thường chỉ 24 giờ sẽ bị thâm, héo cuống. Nếu mua phải loại quả để bên ngoài 4-5 ngày vẫn tươi ngon bạn nên thận trọng.

Bác sĩ bức xúc với 'đơn thuốc quốc dân chữa bách bệnh' được lan truyền khắp nơi

Khó chịu vì bị tiểu buốt, chị M. vào nhà thuốc kể bệnh và được bán cho đơn thuốc "thần kỳ" chỉ 2 ngày sau hết triệu chứng nhưng tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm.

Xử phạt bác sĩ không ghi đơn thuốc rõ ràng: Có quy định sao khó áp dụng?

Theo Nghị định 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, một trong các hành vi liên quan đến kê đơn thuốc sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng là “không ghi đầy đủ, rõ ràng vào đơn thuốc".

Đề nghị xử lý bác sĩ viết đơn thuốc chữ như 'giun dế quái đản'

"Thời buổi hiện đại mà bác sĩ vẫn kê đơn thuốc viết tay với chữ như "giun dế" đến quái đản, không ai dịch được thì không thể chấp nhận nổi", độc giả Minh Phạm gửi ý kiến về diễn đàn của VietNamNet.

'Chữ bác sĩ trên đơn thuốc đến dược sĩ cũng phải đoán mò thì nguy hiểm quá'

Chữ viết, đặc biệt là của các bác sĩ khi kê đơn thuốc, cần phải đủ cẩn thận, rõ ràng, để đa số người dân, dược sĩ có thể đọc được mà không phải "dịch ngược dịch xuôi, đoán già đoán non".

Đang cập nhật dữ liệu !