Khoảng 5,6% trẻ em ở Việt Nam có nguy cơ là nạn nhân của nạn buôn bán người
Đây là công bố từ nghiên cứu “Thắp sáng hy vọng: Di cư, bóc lột và nạn buôn bán trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam” vừa được UNICEF Việt Nam công bố vào hôm nay 13/8.
Khoảng 5.6% trẻ em ở Việt Nam nguy cơ là nạn nhân của buôn bán người. |
Nghiên cứu do Coram International thực hiện với sự hợp tác của UNICEF Việt Nam, Viện Khoa học Lao động và Xã hội và UNICEF Vương Quốc Anh thực hiện.
Kết quả cho thấy, khoảng 5,6% trẻ em ở Việt Nam có nhiều khả năng có các trải nghiệm liên quan đến buôn bán trẻ em. Báo cáo khẳng định rằng, trẻ em có nguy cơ bị buôn bán trên phạm vi toàn quốc.
Buôn bán trẻ em xuất hiện ở trong nhiều ngành nghề khác nhau và các em gái/nữ thanh niên, các em trai/nam thanh niên đều có nguy cơ như nhau.
Các số liệu đáng tin cậy, được bóc tách về độ tuổi và giới tính liên quan đến bóc lột và buôn bán trẻ em có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho công tác xây dựng chính sách và chương trình, góp phần thúc đẩy công tác lập kế hoạch trong cung cấp dịch vụ và tạo điều kiện cho sự tham gia của các nạn nhân và gia đình họ.
"Nghiên cứu này cũng cung cấp bằng chứng quan trọng về quy mô của nạn buôn bán trẻ em và trải nghiệm của trẻ em bị buôn bán và bóc lột. Nghiên cứu cũng cho thấy, cả trẻ em gái và trẻ em trai đều bị ảnh hưởng, củng cố tính cần thiết cần phải có các biện pháp phòng ngừa và ứng phó nhạy cảm về giới”, bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam phát biểu.
Nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em và thanh thiếu niên xuất thân từ hoàn cảnh thiếu thốn và nghèo đói thường đặc biệt có nhiều nguy cơ bị buôn bán. Nghiên cứu chỉ ra rằng, phần lớn nạn nhân của buôn bán trẻ em đều bị bạo lực và bóc lột lao động.
Chưa đến 10% trong số những người đã từng bị buôn bán hoặc bóc lột lao động tham gia trả lời các câu hỏi khảo sát cũng cho biết, họ đã nhận được một số hình thức hỗ trợ.
“Phần đông nạn nhân của buôn bán chưa bao giờ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ. Ngoài ra, phát hiện của nghiên cứu chỉ ra các dịch vụ hỗ trợ chủ yếu tập trung vào một nhóm nạn nhân nhất định. Điển hình là nạn nhân nữ bị buôn bán qua biên giới để bóc lột tình dục và kết hôn”, bà Kara Apland, Nghiên cứu viên cao cấp của CORAM International – đồng tác giả của báo cáo nghiên cứu này phát biểu.
Bằng chứng từ nghiên cứu cũng đã xác nhận, những tác động tiêu cực mà nạn nhân buôn bán phải gánh chịu. Họ cũng phải đối mặt với tổn thương và những thách thức trong việc tái hòa nhập cộng đồng, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái.