Khóa học đàn tranh gây tranh cãi vì thầy trò "ăn kem kiểu Ý"
Nhiều người dùng mạng xã hội khó hiểu trước cách học đàn tranh kiểu mới giữa thầy V.T. và các học trò. Họ cho rằng, hình ảnh những cô gái ăn mặc "mát mẻ", có sự gần gũi quá mức với người thầy lớn tuổi là thiếu chuẩn mực.
Khóa học đàn tranh của nghệ nhân V.T. hiện đang gây tranh cãi vì những hình ảnh thân mật thái quá giữa thầy và các học viên. Một trong những thủ tục trước khi nhập môn được cho là "tắm bùn và nhận bảo kiếm". Ngoài ra, các học viên nữ còn "ăn kem kiểu Ý" với thầy, được cho là có sự gần gũi quá mức.
Nhiều người dùng mạng xã hội không hiểu nổi cách học đàn tranh kiểu mới giữa thầy V.T. và các học trò. Họ cho rằng, hình ảnh những cô gái ăn mặc "mát mẻ" thực sự gây phản cảm.
"D.T.T." (Phước Thái, Long Thành, Đồng Nai) là tên căn nhà được vợ chồng thầy V.T. xây dựng theo lối xưa, để học nhạc và dạy nhạc. Đây cũng là nghệ danh thầy đặt cho chính mình và ban nhạc đàn tranh. Ông từng viết, "D.T.T. là nơi phục hưng và phát huy nền âm nhạc cổ truyền dân tộc. Chào đón tất cả những ai có niềm đam mê với âm nhạc truyền thống".
Những hình ảnh thân thiết giữa thầy và học viên gây xôn xao mạng xã hội. Ảnh: Facebook.
Trước phản ứng của mạng xã hội, thầy V.T. nói rằng "Không có ý kiến gì. Bởi lẽ, khi ở tận cùng của xã hội còn không sợ thì những lời nói trên mạng cũng không động được tới con người nơi đây".
"Nếu nhìn những hình ảnh đó mà không thấy tục, tức là "tiên". Và cách dạy nhạc của tôi không dành cho người "phàm phu", chỉ hướng đến những người đã đạt đến "cõi ngộ". Học viên có học vị và tử tế, không màng tới thị phi", ông nói.
Giải thích về cách học "ăn kem kiểu Ý", nghệ nhân V.T. nói rằng đó là một câu chuyện vui. "Ở Ý, trong nhà thờ, họ tổ chức những buổi ăn kem để nói lên tình yêu. Vì học viên chủ yếu ở nước ngoài về, nên họ không quá xa lạ với hình thức đó".
Còn hình thức "tắm bùn và nhận bảo kiếm", theo ông T., thủ tục này có 2 ý nghĩa: thanh lọc cơ thể và tri ân khứa gỗ đã đắp lên cây đàn. "Mỗi bài học tuy hơi dị biệt, nhưng đều có ý nghĩa", ông khẳng định.
Nghệ nhân đàn tranh V.T. Ảnh: Tạp chí Văn nghệ.
Mỗi học viên đến với D.T.T. học đàn tranh thường rất ngắn, sau đó tự tập. Mỗi người chỉ được phép học trong 3 ngày. Nếu sau 3 ngày vẫn không học được, tức họ không có năng khiếu. Họ chỉ được dạy một lần và sau đó trả bài.
"Mỗi học viên tự tập, tự đánh lên nỗi lòng của mình. Tôi chỉ dạy những kĩ năng ban đầu".
Đến nay, D.T.T. từng đào tạo 338 học viên. "Ai theo được sẽ theo đến cùng, còn không sẽ bỏ cuộc", nghệ nhân V.T. nói.
Nghệ nhân V.T. là "bậc thầy" nhạc dân tộc, đặc biệt nhã nhạc cung đình Huế. Ông chính là người tổ chức ghi âm nhã nhạc cung đình Huế. Băng nhạc này, mấy chục năm sau, là cơ sở để giáo sư Trần Văn Khê và các nhà nghiên cứu đệ trình lên UNESCO xin công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cho nhã nhạc.
Theo báo Tổ quốc