Khi con người đối đầu cùng UFO
Vụ tai nạn UFO ở Kecksburg, Pennsylvania, Mỹ năm 1965
Vào ngày 9/12/1965, hàng ngàn người đã nhìn thấy quả cầu lửa khổng lồ lao qua bầu trời 6 tiểu bang của nước Mỹ và khu vực Ontario của Canada. Với vạch sáng khổng lồ rực lên trong bầu trời đêm, quả cầu lửa bí ẩn nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dân, trước khi nó lao xuống một khu vực nào đó ở thị trấn Kecksburg, tiểu bang Pennsylvania.
Tuy các nhà chức trách Mỹ khẳng định, quả cầu lửa bí ẩn là một sao băng khổng lồ lao xuống trái đất nhưng sự hiện diện bất thường của quân đội ở khu vực này nhanh chóng làm dấy lên hàng loạt nghi ngờ trong dân chúng.
Các nhân chứng cho biết, họ nhìn thấy chiếc xe chuyên dụng của quân đội chở đi một vật kỳ lạ, có hình quả chuông khổng lồ từ sâu trong một cánh rừng. Một số người tin rằng, vật thể vừa rơi xuống là một vệ tinh của Liên Xô nhưng số khác thiên về giả thuyết UFO là tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh, bất chợt rơi xuống địa cầu.
Chưa có bất kể thông tin chính thức nào của các nhà chức trách Mỹ về nguồn gốc của vật thể lạ nên nó vẫn là điều bí ẩn trong suốt gần 50 năm qua. Khi nhắc tới sự kiện Kecksburg, rất nhiều người vẫn tin rằng đó là vật thể bay không xác định của người ngoài hành tinh, gặp nạn và rơi xuống địa phận nước Mỹ.
Sự cố Tehran, Iran năm 1976
Các phi công thuộc lực lượng không quân Iran đã có cơ hội song hành cùng một vật thể bay không xác định khi nó xuất hiện gần vị trí của họ trên không phận Thủ đô Tehran, Iran.
Trước cuộc Cách mạng Hồi giáo, Mỹ và Iran vẫn là những đồng minh thân cận. Trong sự kiện ngày 19/9/1976, các máy bay chiến đấu phản lực F-4 Phantom của Iran đã có cơ hội đuổi theo một vật kỳ lạ trên bầu trời Tehran, khi tất cả radar theo dõi đều nhận thấy sự hiện diện của vị khách không mời trên không phận Thủ đô.
Khi tiến gần vật thể bay không xác định, hệ thống điện tử của những chiếc máy bay phản lực không thể hoạt động. Thậm chí, hệ thống vũ khí của một trong những chiếc máy bay chiến đấu truy đuổi vật thể lạ cũng không thể khai hỏa.
Sự cố biến lần chạm trán của các phi công Iran với vật thể lạ nhanh chóng trở thành sự kiện đình đám bậc nhất của con người với UFO. Tuy nhiên, không ít người cho rằng lỗi đồng loạt xảy ra với hệ thống điện tử của các máy bay là do chính hệ thống radar cực mạnh của chúng gây nên khi hoạt động cùng nhau ở khoảng cách gần.
Sự cố với chuyến bay JAL 1628 năm 1986
Ngày 16/11/1986, phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay mang số hiệu JAL 1628 của hãng hàng không Nhật Bản đã phát hiện ra một vật thể bay không xác định có kích cỡ “lớn gấp 3 lần một chiếc tàu sân bay” song hành cùng họ trong khoảng thời gian 50 phút khi nó bay qua khu vực Đông Bắc Alaska, Mỹ.
Kích thước khổng lồ, thời gian xuất hiện dài cùng kết quả theo dõi của hàng loạt radar biến sự cố với chuyến bay JAL 1628 của Nhật Bản Air Lines trở thành lần chạm trán ấn tượng nhất của con người với vật thể bay không xác định. Các nhân chứng, bao gồm phi hành đoàn và tất cả các hành khách đều xác nhận cái họ nhìn thấy trên bầu trời.
Không một lời giải thích hợp lý nào được đưa ra với sự cố năm 1986 trong khi đó, lời kể của những hành khách có mặt trên chuyến bay JAL 1628 nhanh chóng được giới truyền thông triệt để khai thác. Đây cũng là một trong những sự kiện khơi gợi trí tò mò tột độ của con người về cái họ tin là sự sống ngoài hành tinh đang thăm dò địa cầu.
Bay cùng người ngoài hành tinh ở Bỉ năm 1990
Tương tự như sự cố ở Tehran năm 1976, các chiến đấu cơ phản lực của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã có cơ hội đua tốc độ cùng một vật thể lạ tối ngày 30/3/1990. Theo đó, UFO mà các phi công NATO nhìn thấy là một vật thể hình tam giác, xuất hiện trên khu vực ngoại ô của nước Bỉ.
Không chỉ ấn tượng về hình dạng, vật thể này còn sở hữu tốc độ bay chóng mặt cùng sự “xảo quyệt”. Cũng giống như vụ việc ở Tehran, Iran, các thiết bị radar dưới mặt đất, radar điều khiển hỏa lực trên các máy bay chiến đấu cùng với nhiều thường dân đã chứng kiến sự xuất hiện của vật thể lạ này. Thậm chí, một trong những thiết bị đã chụp được ảnh của UFO, biến đây trở thành lần tiếp cận rõ nét nhất với vật thể bay không xác định.
Hồng Duy