Khi các nhân viên sân bay lợi dụng lỗ hổng an ninh để buôn lậu
Năm ngoái, một nữ tiếp viên 23 tuổi của hãng hàng không Ấn Độ đã bị nhân viên an ninh bắt giữ ngay tại sân bay quốc tế ở Delhi vì mang theo 1 kg vàng không có nguồn gốc và không khai báo. Nữ tiếp viên này cho biết mình mang theo túi vàng từ Dubai theo chỉ dẫn của một người đàn ông, người này sẽ liên lạc với cô để nhận hàng tại Delhi và cô được trả khoảng 1.600 USD.
![]() |
Nhân viên an ninh sân bay Ấn Độ thu giữ vàng bị vận chuyển trái phép. Nguồn: EPA |
Theo cơ quan an ninh Ấn Độ, chỉ trong vòng một năm qua, có tới 42 nhân viên của các hãng hàng không bao gồm phi hành đoàn, nhân viên mặt đất của các hãng Air India, Jet Airways, Indigo và Gulf Airlines đã bị bắt. Trước tình trạng báo động trên, an ninh Ấn Độ đã phải tổ chức một chiến dịch rà soát an ninh sân bay, kiểm tra các hãng vận tải hàng không và yêu cầu phải tìm hiểu thông tin, lý lịch của nhân viên trước khi họ được tuyển vào.
“Chúng tôi đã làm việc với các lãnh đạo hãng hàng không bởi sự việc có liên quan đến an ninh quốc gia. Chúng tôi lo sợ rằng các loại vũ khí, chất nổ và vàng có thể bị mua bán một cách trái phép”, một nhân viên an ninh cho biết.
Vận chuyển ma túy
Không chỉ ở các quốc gia đang phát triển, tiếp viên hàng không của các nước giàu cod cũng tham gia vào đường dây buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép. Đầu năm 2016, ở Mỹ phát hiện một loạt sai phạm của các tiếp viên, bao gồm vụ việc một tiếp viên vận chuyển 0,5 kg cocaine; một phi công bị buộc tội môi giới, một phi công uống rượu say vẫn còn lái máy bay hay một nhân viên sân bay bị bắt khi đang cố vận chuyển 300.000 USD.
Các vụ việc liên tiếp xảy ra ở Mỹ thời gian gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại về an ninh sân bay cũng như khâu kiểm tra đối với các nhân viên làm việc tại đây. Có hàng trăm sân bay ở Hoa Kỳ và tại mỗi sân bay lớn, phải có đến hàng chục nghìn nhân viên làm việc trực tiếp với hành khách hoặc “đứng sau cánh gà”.
Tuy nhiên theo một cuộc điều tra của CNN, chỉ có một vài sân bay thực hiện quy định kiểm tra an ninh, soi qua máy quét đối với nhân viên trước khi họ thực hiện nhiệm vụ.
Ví dụ như vụ việc của tiếp viên hãng hàng không JetBlue, Marsha Gay Reynolds bị phát hiện khi mang trong túi 0,5 kg cocaine khi cô này đang cố đi qua chốt kiểm tra dành cho nhân viên (Khown Crewmember) của sân bay quốc tế Los Angeles. Known Crewmember là lối kiểm tra cho phép nhân viên thông qua quá trình an ninh một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn mọi hành khách.
Tuy nhiên các nhân viên Phòng an ninh vận tải đã ngẫu nhiên chọn Reynolds để kiểm tra. Và khi nữ tiếp viên 31 tuổi này bỏ túi, giày cao gót cùng các vật dụng cá nhân ra thì họ phát hiện 0,5 kg cocaine trong túi của cô.
Thông thường các nhân viên sân bay không phải qua cửa kiểm tra an ninh mà sẽ đi thẳng qua điểm Known Crewmember. Thậm chí nếu một tiếp viên ngẫu nhiên được chọn để kiểm tra thì túi cá nhân của họ cũng sẽ không bị lục soát trừ khi một nhân viên phòng an ninh chọn người này để kiểm tra lại một lần nữa.
Có nên ưu tiên cho nhân viên?
Bất kỳ ngành nghề nào cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng trong ngành công nghiệp hàng không, rất nhiều nhân viên đang được hưởng lợi từ những đặc quyền an ninh và các hành khách thông thường không có.
![]() |
Nhân viên sân bay thường được ưu tiên kiểm tra an ninh, không phải qua các máy quét như hành khách. Nguồn: CNN |
Các nhân viên hàng không thường trải qua việc kiểm tra lý lịch tội phạm, kiểm tra dấu vân tay và có thể phải qua máy quét khi làm việc. Tuy nhiên, tại Mỹ không hề có một yêu cầu, quy định nào bắt các tiếp viên, nhân viên hành lý, thợ kỹ thuật, nhân viên dọn vệ sinh… phải trải qua quá trình kiểm tra an ninh nghiêm ngặt như đối với hành khách.
Lý do mà các quan chức sân bay đưa ra, đó là chi phí không cho phép. Trong báo cáo của Ủy ban An ninh Hàng không Mỹ có đoạn, “việc 100% nhân viên sân bay đi qua máy quét kiểm tra an ninh là không hiệu quả về mặt chi phí”.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra an ninh đối với các nhân viên sân bay song song với việc kiểm tra lý lịch và giám sát các hoạt động tội phạm. Hiện ở Mỹ, Sân bay Quốc tế Miami là một trong số ít sân bay yêu cầu tất cả nhân viên phải đi qua máy phát hiện kim loại trước khi làm việc.