Khan hiếm nguồn tạng: Sốt ruột với nguồn tài nguyên bị lãng quên
Mất cân bằng giữa cung và cầu
Mặc dù ghép tạng ở Việt Nam đi sau thế giới gần nửa thế kỷ và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm nhưng cho đến nay trình độ ghép tạng ở Việt Nam đã có những sự tiến bộ vượt bậc. Ca ghép tạng thành công đầu tiên ở Việt Nam được đánh dấu vào năm 1992.
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy nguồn hiến mô, tạng hiện nay rất hạn chế, không đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.
Nhiều bệnh nhân cần thay thận phải chạy thận nhân tạo suốt đời vì không có tạng để ghép/Ảnh Vnexpress |
Theo thống kế của bệnh viện Chợ Rẫy – TP HCM từ năm 2008 đến nay, bệnh viện chỉ tiếp nhận được 7 trường hợp hiến tạng từ người do chết não hiến tặng, nguồn tạng này đã được ghép và cứu sống 13 người. Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Hà Nội mỗi năm có khoảng 1.500 người chết não, nhưng suốt 4 năm qua bệnh viện chỉ nhận được 23 trường hợp hiến tạng.
Giữa hàng ngàn người bệnh đang ngày ngày suy kiệt, giữa đội ngũ các y, bác sĩ luôn sẵn sàng cứu chữa, các thiết bị kỹ thuật, trang thiết bị, cơ sở vật chất đều sẵn sàng, thì đối lập lại là sự khan hiếm nguồn tạng hiến.
Chết não khác hoàn toàn với kiểu sống thực vật. Đó là khi chức năng trung tâm cuống não, kiểm soát phản xạ thở, nhịp tim mạch, phản xạ đồng tử và các phản xạ sống khác không còn nữa.
Sự mất cân bằng giữa nguồn cung và nguồn cầu là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cò mồi mua bán tạng xuất hiện khá phổ biến trên thế giới trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Trong chương trình truyền hình Khi sự sống được sẻ chia, Thứ trường Bộ Y tế, PGS. TS Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Hàng năm, nguồn tạng từ người cho chết não là hết sức phong phú. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề về quan niệm, về tâm linh mong muốn người đã khuất được toàn thây nên cộng đồng chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc hiến mô, tạng. Do đó, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, nắm rõ được vấn đề. Trên cơ sở đó kết hợp với bệnh viện cứu sống cho nhiều người đang mắc những bệnh nan y”.
Đồng quan điểm trên, PGS. TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia nhấn mạnh, không chỉ có người dân chưa nắm được bản chất vấn đề, mà ngay cả một số cán bộ y tế còn không hiểu thế nào là chết não.
Ông Sơn nhấn mạnh, thời gian qua Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia đã tiến hành phát thẻ đăng ký hiến mô tạng cứu người. Thẻ đăng ký này dùng cho những người có tâm nguyện được hiếm mô, tạng sau khi qua đời. Đây là cơ sở pháp lý để các bác sĩ lưu lại tạng phủ khi người có tâm nguyện hiến tạng qua đời.
Khách mời tạichương trình truyền hình Khi sự sống được sẻ chia |
Khan hiếm nguồn tạng hiến
Thời gian qua, với tinh thần và trách nhiệm cao nhất những đơn vị chức năng đặc biệt là Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia đã nỗ lực kết nối để có thể tiếp nhận tốt nhất mọi ý muốn, tâm nguyện của những cá nhân muốn hiến một phần cơ thể của mình để cứu giúp người bệnh.
Khó có thể kể hết tấm lòng từ thiện của những con người đã hiến mô, hiến tạng để cứu người. Trong số họ có cả những nhà tu hành ở nhiều nơi mong muốn được hiến tạng. Sư thầy Thích Đạo Cảnh, chùa Diên Phúc, huyện Hoài Đức - Hà Nội là một trong những người như vậy.
Cách đây 4 tháng, thầy hiến một quả thận của mình để bổ sung vào nguồn tạng vốn ít ỏi. Chưa dừng lại ở đó, tâm nguyện tiếp theo của thầy là được hiến một bên giác mạc với mong muốn đem lại ánh sáng cho người khiếm thị.
Trong lá đơn hiến tạng của mình, sư thầy Thích Đạo Cảnh viết: “Chia sẻ nỗi khó khăn của người bệnh đó là tâm từ bi của người xuất gia tự học phật pháp. Được nghe các thầy giảng về lòng từ bi của nỗi khổ con người nhận thấy cái khổ của người khác mà cũng như mình khổ vậy”.
Hòa thượng Thích Gia Quang đánh giá: “Việc hiến tặng mô, tạng cho người khác theo giáo lý đạo phật là một việc làm rất tốt đẹp và đúng với giáo lý của phật giáo. Do đó, việc làm của sư thầy Thích Đạo Cảnh rất cao quý, phù hợp với giáo lý từ bi của đạo phật cũng như phù hợp với giáo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam”.
“Việc làm của sư thầy Thích Đạo Cảnh đối với tôi là một hình ảnh rất xúc động, cần phải được lan rộng ra khắp mọi nơi, tuyên truyền đến nhiều người. Thầy sẵn sàng hy sinh, đi trước và còn cố gắng đi tìm cách hiến quả thận của mình cho một ai đó đang cần. Tôi mong rằng, nhiều người sẽ tiếp tục tham gia trong lĩnh vực này”, linh mục Phan Khắc Từ nhấn mạnh.