Khan hiếm đô, ngân hàng xui khách ra chợ đen
Hụt nguồn
Ngày 10/7, giá đồng bạc xanh trên thị trường tự do đã hạ nhiệt chút ít so với hồi đầu tuần, nhưng tại các ngân hàng giá niêm yết bán ra vẫn “kịch” trần cho phép, ở mức 21.246 đồng/USD, trong khi giá mua vào niêm yết ở 21.220-21.230 đồng/USD. Chênh lệch giữa giá mua và giá bán đô la Mỹ trong hệ thống ngân hàng tiếp tục được giữ ở biên độ hẹp, chỉ 16 đồng/USD.
Tuy vậy, khách hàng có nhu cầu mua đô la tại thời điểm này không thể mua tại ngân hàng.
Trong vai một khách hàng đang cần mua ngoại tệ, PV Infonet tới chi nhánh một NHTM trên đường Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Nhân viên giao dịch khách hàng tại đây cho biết, muốn mua đô la tại ngân hàng, khách phải chứng minh được mục đích sử dụng, có giấy tờ đầy đủ. “Nếu là mua phục vụ đi du lịch thì được mua tối đa 100 USD/ngày. Nhưng ngân hàng cũng không hứa trước có đô la để bán hay không” và khuyên nếu nhu cầu chỉ mua sử dụng ít nên “mua ở thị trường tự do sẽ đỡ mất thời gian chứng minh mục đích”.
Giá bán thực tế đồng đô la Mỹ tại các nhà băng cao hơn nhiều mức giá niêm yết 21.246 đồng/USD |
Khách hàng cá nhân khó mua đô la trong nhà băng là một chuyện, nhưng tới các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu thực mua ngoại tệ tại nhà băng cũng đang gặp không ít trở ngại. Trở ngại đầu tiên vẫn là chứng minh mục đích mua ngoại tệ có chính đáng hay không bằng cách phải “trưng” cho nhà băng hợp đồng mua bán hàng hóa, giấy hẹn trả tiền theo hợp đồng… Thủ tục phức tạp, tốn thời gian là một nhẽ, bức xúc của hầu hết các doanh nghiệp hiện nay là giá bán đồng bạc xanh trong ngân hàng không đúng với giá niêm yết.
Phó giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu máy móc xây dựng tại Hà Nội cho biết, công ty anh đang có nhu cầu mua 40.000 USD để trả hợp đồng mua máy trong tháng 7, nhưng một tuần trở lại đây gõ cửa ngân hàng nào cũng đều bị từ chối khéo, hoặc nếu không thì “đòi” giá cao hơn mức giá trần 21.246 đồng/USD, DN tiếp cận vô cùng khó khăn. “Tháng trước “bí” quá công ty đã phải cho nhân viên ra thị trường tự do mua để kịp trả nợ hợp đồng. Biết là mua ngoại tệ ở thị trường tự do phạm luật, nhưng giá cả trong ngân hàng tương đương ở ngoài thì mua ở thị trường tự do dù phải chịu mức giá cao hơn còn hơn bị đối tác phạt trả tiền chậm”- vị phó giám đốc than thở.
Theo tìm hiểu của PV Infonet tại một số chi nhánh NHTM trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng… tình trạng ngân hàng bán USD hai giá là có thực. Tại chi nhánh một NHTM trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, phụ trách giao dịch ngoại hối chi nhánh này cho biết, muốn mua đô la tại ngân hàng ngoài việc chứng minh mục đích mua, DN phải có tài khoản ngoại tệ mở tại ngân hàng để ngân hàng chuyển khoản trực tiếp chứ không giao tiền mặt.
Ngoài ra, phụ thuộc vào cân đối nguồn của ngân hàng tại thời điểm khách mua ngân hàng mới có thể trả lời có đô la bán hay không. “Thời điểm này giá đồng đô la trong ngân hàng và ngoài thị trường đang chênh nhau khá lớn nên mọi người thường tới ngân hàng mua, khiến lượng đô la trong ngân hàng vốn không dồi dào giờ lại càng ít. Nếu chị mua giá bán sẽ được báo lúc khách hàng làm xong thủ tục, nhưng chắc chắn là cao hơn mức 21.246 đồng/USD đấy” – nhân viên này nói với PV Infonet.
Trước thắc mắc, vì sao bảng giá niêm yết bán ra của ngân hàng chỉ là 21.246 đồng/USD, nhưng khi mua khách hàng phải chịu giá cao hơn? Nhân viên phụ trách ngoại hối chi nhánh nọ giải thích, “giá ở các ngân hàng hiện gần như nhau hết (bán ra cao hơn mức 21.246 đồng/USD –PV), do hầu hết các ngân hàng không cân đối được nguồn để bán ra, doanh nghiệp xuất khẩu giờ ít bán ngoại tệ cho ngân hàng. Bên em cũng không bán được cho khách hàng với giá 21.246 đồng đâu, chắc chắn cao hơn, mong chị thông cảm”.
Căng thẳng ngoại tê do “ứ” tiền đồng?
Giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối một NHTMCP cho biết, đúng là có tình trạng ngân hàng gặp khó trong cân đối nguồn đô la Mỹ, nhưng không phải là quá khan hiếm tới mức không có bán và phải đẩy giá lên cao. Theo ông, yếu tố tâm lý cứ thấy giá lên là “đổ xô đi mua, đi bán” nên tạo ra sự khan hiếm giả.
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) sở dĩ tỷ giá nóng là do thâm hụt thương mại 6 tháng đầu năm gia tăng, nhập siêu và nhập khẩu vàng cũng tăng mạnh.
Từ tháng 5 trở lại đây nhập siêu đã tăng mạnh trở lại, từ mức nhập siêu xấp xỉ 1 tỉ USD hồi tháng 4 đã lên tới 2 tỉ USD đến hết tháng 6.
Một phần nguyên nhân nữa được vị chuyên gia này chỉ ra, là do lãi suất tiền đồng hạ quá nhanh. “Chừng nào lãi suất còn hạ thì đồng Việt Nam còn mất giá, tỷ giá còn lên”- ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa đánh giá, gần đây NHNN đã bán ra một lượng ngoại tệ nhằm cân đối cung cầu thị trường nhưng một số NHTM cho là chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Thực ra, nhu cầu là phải hiểu nó trên nền giá nào. Nếu giá thấp thì nhu cầu rất cao và có vẻ như chưa được đáp ứng, nhưng nếu giá cao lên thì nhu cầu lại thấp đi. Thêm nữa, việc đồng đô la kham hiếm trong và ngoài hệ thống và bị đẩy giá lên cao là do tiền đồng đang dư thừa trong hệ thống. Biểu hiện rõ nhất là chênh lệch giữa giá mua vào – bán ra đồng bạc xanh đang bị “co” về mức 10-16 đồng/USD. Ông giải thích: khoảng cách chênh lệch này càng hẹp thì chứng tỏ thanh khoản thị trường càng lớn. Trước đây ngân hàng cho vay ngoại tệ nhiều nên số lượng ngoại tệ tham gia vào thị trường ít, nhưng giờ cho vay bị “khóa cửa”, mua bán giao dịch trên thị trường nhiều, thanh khoản lớn, rất nhiều người sẵn sàng bán – mua, nên khoảng cách giá mua – bán thu hẹp lại.
Điều này cũng cho thấy kỳ vọng vào tỷ giá vẫn đang rất cao dù NHNN vừa điều chỉnh tăng thêm 1%.
“Việc tín dụng tiền đồng dư thừa trong hệ thống ngân hàng và một phần trú ẩn trong vàng đã đẩy tỷ giá ngoại hối lên cao”- Viện trưởng BDI nói. Trước tình hình tỷ giá căng thẳng, cộng với nhu cầu ngoại tệ 6 tháng cuối năm của DN, người dân chắc chắn còn cao, NHNN sẽ phải cân nhắc tới chuyện điều chỉnh chính sách tỷ giá cho phù hợp. Đây là một áp lực lớn lên điều chỉnh chính sách tỷ giá của ngân hàng trung ương, bởi lẽ dư địa để điều chỉnh tỷ giá còn không nhiều, chỉ 1-2% so với mục tiêu điều chỉnh từ 2-3% trong năm 2013 được Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố hồi đầu năm.