Khai quật hài cốt “siêu cá sấu”
Trong một sa mạc ở Tunisia (Bắc Phi), các nhà khoa học vừa khai quật được hài cốt của một con cá sấu có chiều dài tương đương chiều cao của một tòa nhà ba tầng. Họ gọi nó là con cá sấu nước mặn lớn nhất từng được tìm thấy.
Nhà cổ sinh vật học người Italy Federico Fanti và nhóm nghiên cứu của ông đã tìm thấy hộp sọ cá sấu hóa thạch và các mảnh vỡ của bộ xương chôn vùi ở sa mạc Bắc Phi - một khu vực mà các học giả khác ghi nhận là nơi chứa nhiều hóa thạch chưa được khai quật.
Phát hiện này vừa được công bố trên tạp chí Cretaceous Research và báo cáo của National Geographic.
Với hàm răng có thể nhai nuốt một con người “dễ như ăn kẹo”, con cá sấu này sống ở biển khơi hàng triệu năm trước đây, vào cuối thời đại của khủng long.
Hình ảnh phục dựng siêu cá sấu Machimosaurus rex (Nguồn: National Geographic) |
"Bộ hài cốt được khôi phục đã được bảo quản trong đá trong 120 triệu năm, giúp chúng ta xác định con bò sát này là thành viên lớn nhất của một giống cá sấu đặc biệt, gần như sống hoàn toàn ở biển", theo National Geographic.
Con quái vật biển này được đặt tên là Machimosaurus rex, sống trong kỷ Phấn trắng - là kỷ cuối cùng của ba thời kỳ mà loài khủng long thống trị, được đặc trưng bởi khí hậu ẩm ướt, với các loài chim nguyên thủy, khủng long mỏ vịt và khủng long bạo chúa T. rex khét tiếng.
Theo Trung Hiếu/ TGVN