Khách than lãi vay cao, ngân hàng khen “lý tưởng”
Lãi suất quá cao so với thế giới
Theo thông tin của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, lạm phát của nước ta năm nay chỉ khoảng 1,5%, tương đương mức lạm phát của Trung Quốc và Mỹ (ước khoảng 1,75%). Thế nhưng, lãi suất cho vay của Trung Quốc là 4,5%/năm, của Mỹ là 3%/năm, còn ở Việt Nam đang là 9-10%/năm.
Điều đáng lo là, lãi suất huy động đang có xu hướng nhích nhẹ lên và hình thành mặt bằng mới, gây hoang mang cho các doanh nghiệp (DN), khi mà sự phục hồi còn rất mong manh. Chưa kể, lãi suất cao đang đẩy DN Việt vào thế yếu khi bước vào sân chơi chung toàn cầu. “Nếu lãi suất cứ cao thế này, ngành chăn nuôi Việt Nam cạnh tranh kiểu gì?”, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi đặt câu hỏi.
Điều đáng lo là, lãi suất huy động đang có xu hướng nhích nhẹ lên và hình thành mặt bằng mới, gây hoang mang cho các doanh nghiệp |
Điều khiến DN bức xúc là lạm phát giảm kỷ lục mà lãi suất vẫn không hạ. Với mức lạm phát hiện nay, người gửi tiền đang được hưởng lãi suất thực dương lớn (5-7%năm), nhưng DN lại phải chịu áp lực lớn về chi phí đầu vào, làm suy giảm năng lực cạnh tranh.
Đáp lại những tiếng than về lãi suất của phía DN, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank lại cho rằng: “Về lãi suất, phải đứng cả ở hai phương diện: người đi vay và người gửi tiền. Nếu lãi suất hạ, người gửi có mặn mà tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng hay sẽ chuyển sang đầu tư bất động sản, chứng khoán, USD... Nếu tình trạng này xảy ra, sẽ dẫn tới bẫy thanh khoản, từ đó lãi suất lại phải tăng lên. Tôi nghĩ, lãi suất hiện nay đã là lý tưởng đối với cả DN và ngân hàng”.
Vẫn có thể giảm thêm
Lý giải lãi suất cho vay tại Việt Nam cao gấp 3-4 lần nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, TS. Lê xuân Nghĩa cho rằng, trước hết là lãi suất đầu vào ở Việt Nam còn cao. “Lãi suất tiết kiệm của Trung Quốc là 3%, của Mỹ là 2,5%, trong khi lãi suất tiền gửi của Việt Nam (kỳ hạn trên 1 năm) là hơn 7%)”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, theo TS. Nghĩa, hệ thống ngân hàng phải “gánh” một lượng lớn trái phiếu chính phủ và rất nhiều khoản lẽ ra ngân sách phải gánh như hỗ trợ nhà ở, đóng tàu sắt, xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý nợ xấu... Tóm lại, tất cả nhu cầu vốn của nền kinh tế hầu như đều nhắm vào ngân hàng, khiến hệ thống ngân hàng nước ta có nền tảng lãi suất cao và rất khó giảm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, mức độ rủi ro cao của quốc gia và của DN cũng là nguyên nhân khiến lãi suất ở Việt Nam cao hơn các nước bởi theo nguyên tắc, rủi ro càng cao thì lãi suất càng cao. Ngoài ra, lãi suất ở nước ta cao và khó giảm còn do tín dụng phục hồi mạnh trở lại và áp lực giữ ổn định tỷ giá.
Rõ ràng, mặt bằng lãi suất cao ở nước ta không hoàn toàn là do ý muốn chủ quan của các ngân hàng. Song điều nguy hiểm là, nếu tình trạng lãi suất cao kéo dài, DN sẽ không muốn rót vốn vào sản xuất, bởi tỷ suất sinh lời rất thấp, từ đó kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Về lý thuyết, để giảm lãi suất cho vay, cần phải tăng cung tiền hoặc giảm lãi suất danh nghĩa. Tuy nhiên, đây là lựa chọn khó khăn, bởi nếu nới lỏng tiền tệ sẽ gây áp lực với tỷ giá, lạm phát, nợ công, thâm hụt ngân sách... Dù lạm phát đang giảm kỷ lục, song chủ yếu là do giá hàng hóa thế giới giảm mạnh, nếu nới lỏng tiền tệ, cùng với một số hàng hóa có thể sẽ tăng giá dồn vào năm sau như: giá điện, y tế, giáo dục, xăng dầu..., thì lạm phát có nguy cơ bùng phát trở lại.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, lãi suất vẫn có thể giảm thêm, dù mức giảm không nhiều. “Lạm phát thấp kỷ lục hiện nay là thời điểm tốt để xem xét giảm thêm lãi suất đầu vào. Tuy nhiên, mức giảm chỉ ít thôi, nếu không sẽ khiến người dân xoay chuyển dòng vốn đầu tư”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Tuy nhiên, để giảm lãi suất, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trước hết, Chính phủ nên giảm phát hành trái phiếu trung, dài hạn với lãi suất cao. Thay vào đó, có thể phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn (1-3 năm) với lãi suất thấp để kéo mặt bằng lãi suất giảm xuống.
Nguồn: Thùy Liên/baodautu.vn